Bắc Kinh đang sử dụng các giao dịch mua nông sản làm đòn bẩy để thúc đẩy Mỹ hủy kế hoạch áp thuế 15% mới đối với 156 tỷ USD hàng tiêu dùng bắt đầu từ ngày 15/12.
Thuế quan đáp trả của Trung Quốc đối với nông sản Mỹ khiến các công ty của họ phải nhập khẩu hàng hóa ở mức giá đắt hơn. Bắc Kinh sẽ phải dỡ bỏ các khoản thuế đó để dễ dàng mua hơn 50 tỷ USD hàng hóa nhưng sẽ chỉ làm vậy nếu Mỹ dỡ bỏ thuế quan đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh từng miễn các khoản thuế với các công ty nội địa để họ mua nông sản Mỹ. Nhưng kịch bản này được cho là không thực tế khi lượng nông sản phía Mỹ yêu cầu lên tới 50 tỷ USD.
Theo các nhà đàm phán Trung Quốc, việc mua hàng phải dựa trên nhu cầu thực tế và với giá cả thị trường công bằng. 50 tỷ USD nông sản được Tổng thống Trump mời chào vượt xa những gì Trung Quốc đã chi tiêu mỗi năm và đòi hỏi Bắc Kinh dựa nhiều vào các công ty nhà nước để hoàn thành.
Sự không chắc chắn vẫn còn đó, theo ông John Frisbie, giám đốc điều hành của công ty tư vấn quốc tế Hills & Company và cựu chủ tịch của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc.
Xuất khẩu đậu nành, cao lương, thịt lợn và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ sang Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013 ở mức khoảng 29 tỷ USD, giảm xuống còn 24 tỷ USD vào năm 2017 trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Các dữ liệu xuất khẩu đã giảm xuống 9,2 tỷ USD trong 12 tháng qua, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Thứ Sáu tuần trước, ông Trump cho biết Trung Quốc sẽ đạt mức 50 tỷ USD trong vòng chưa đầy 2 năm. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa xác nhận số liệu của ông. Vào thứ Ba, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ tịch Thượng viện Ủy ban Tài chính, cho biết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung cần có chi tiết và những con số cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận qua điện thoại trong hai tuần tới, tìm kiếm một thỏa thuận một phần có thể được ký tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Chile vào tháng tới.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có thể đính kèm các điều kiện vào một hiệp ước cho phép họ mua ít nông sản hơn so với mong đợi của Mỹ, chẳng hạn như kéo dài khung thời gian mua hàng. Trung Quốc có thể nhấn mạnh rằng giá của hàng hóa Mỹ phải hợp lý và việc mua hàng của Trung Quốc tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi cấm các hoạt động thương mại bị kiểm soát.
Để tăng mạnh việc mua thịt bò và thịt lợn của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải loại bỏ các hạn chế về công nghệ sinh học đối với các sản phẩm đó.
Wendy Cutler, phó chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á và là nhà đàm phán châu Á cho văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết: "Có rất nhiều điều có thể xảy ra trong vài tuần tới phá hỏng con số 50 tỷ USD được chào mời bởi ông Trump."
Mỹ và Trung Quốc đã không đồng thuận kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại vào năm ngoái về mức độ mua hàng tiềm năng của Bắc Kinh và mức độ vững chắc của các cam kết đó. Bắc Kinh hiểu rằng mua hàng nông sản là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Bởi ông Trump đã thấy doanh số bán cho Trung Quốc giảm mạnh, ông cũng muốn làm hài lòng nông dân Mỹ, những người ủng hộ chính của ông trong cuộc tranh cử tổng thống.
Các nhà đàm phán Trung Quốc cho rằng Mỹ, bằng cách yêu cầu các công ty Trung Quốc mua nhiều hơn mức họ cần, đang buộc Bắc Kinh chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước mua. Các công ty tư nhân Trung Quốc đơn giản là không thể hoàn thành con số ông Trump đưa ra.
Một yêu cầu như vậy về cơ bản là để buộc Bắc Kinh tham gia vào thương mại bị kiểm soát, theo các quan chức Trung Quốc.
Ông Wei Jianguo, cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc, hiện làm việc cho Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh phát biểu: "Đó là mục tiêu. Chúng tôi sẽ cố gắng."
Trung Quốc đã tăng cường mua hàng nông sản của Mỹ trong những tuần gần đây và sẵn sàng tăng lượng mua đậu nành lên 30 triệu tấn trong năm nay. Họ đã mua 20 triệu tấn đậu nành từ các nhà sản xuất Mỹ từ đầu năm đến nay, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm thứ Ba, con số gần như phù hợp với dữ liệu của Mỹ.
Bắc Kinh nhập khẩu thêm thịt lợn để theo kịp nhu cầu trong nước và đối phó với lạm phát. Dịch tả lợn châu Phi đã làm sụt giảm số lượng lợn Trung Quốc, khiến giá thịt lợn tăng 69% trong tháng 9 so với một năm trước đó.
Về phía Mỹ, xuất khẩu sẽ cần phải chuyển hướng từ những nơi như Nhật Bản và Châu Âu, sang Trung Quốc để đạt mục tiêu trong vòng 2 năm. Con số ông Trump đưa ra với Trung Quốc là khoảng 1/3 trong số khoảng 150 tỷ USD xuất khẩu nông sản hàng năm của Mỹ.
Các cố vấn khuyên ông Trump dừng lại ở mức 20 tỷ USD, nhưng không, Tổng thống muốn con số 50 tỷ USD.