Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Tập đoàn FLC vẫn ghi những dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Bằng chứng là ngày 28/11, khách sạn FLC Grand Hotel Quy Nhon của Tập đoàn FLC chính thức đi vào vận hành. Với quy mô 1.500 phòng cùng sức chứa lên tới 3.500 người, đây được xem là tổ hợp khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh dịch Covid ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch nói chung, việc khai trương khách sạn lớn nhất Việt Nam tại quần thể FLC Quy Nhơn là nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong việc cung cấp những sản phẩm chất lượng cao nhằm tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời, đây cũng là sự tiếp nối cho quá trình hiện thực hoá mục tiêu "đánh thức những vùng đất tiềm năng" mà Tập đoàn FLC đã theo đuổi nhiều năm nay.
Ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, từ tháng 6, Tập đoàn FLC đã xúc tiến mạnh mẽ các dự án BĐS trên khắp cả nước thông qua việc đồng loạt đẩy mạnh tiến độ thi công trên các công trường xây dựng, từ Hạ Long (Quảng Ninh), Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Bình, Kon Tum cho đến Sa Đéc (Đồng Tháp)…
Năm 2021, Tập đoàn FLC đặt mục tiêu nghiên cứu, phát triển tiếp 20 dự án BĐS trên hầu khắp các tỉnh thành từ Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Gia Lai, Đăk Nông, Bạc Liêu, Cà Mau, Lâm Đồng, Sóc Trăng… thuộc các phân khúc chiến lược là bất động nghỉ dưỡng và đô thị.
Cũng là một trong những doanh nghiệp BĐS với kế hoạch bùng nổ dự án vào năm 2021, lãnh đạo Hưng Thịnh Land cho biết riêng trong quý IV/2020 công ty phát triển hơn 3.000 sản phẩm tại Đồng Nai, Bình Dương, Nha Trang… Trong năm 2021, Hưng Thịnh Land dự kiến sẽ triển khai 5 dự án với khoảng 10.000 căn hộ tại Hà Nội.
"Năm 2020 được xem là cơ hội lớn để cho các doanh nghiệp có nền tảng ổn định và tăng trưởng hơn. Trong năm qua, Hưng Thịnh Land đã bán 10.000 sản phẩm, bỏ ra hơn chục nghìn tỷ đồng để M&A các dự án khác. Cơ sở hạ tầng được phát triển khá tốt trong những năm qua là tiền để cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn hoạt động, ví dụ như những khu vực Lâm Đồng, Bình Định, Quy Nhơn", ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết.
Chia sẻ về định hướng phát triển mảng bất động sản trong thời gian tới ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết Vinaconex hiện đang đầu tư chủ lực vào các dự án nhà ở, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, BĐS công nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên. Vinaconex phấn đấu trong một vài năm tới tỷ trọng đầu tư BĐS ngày càng tăng với quỹ đất lên đến 5.000ha.
"Hiện nay, việc thực hiện M&A các dự án bất động sản đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể vừa triển khai thực hiện trong năm, vừa tạo quỹ đất dự trữ cho các năm tiếp theo. Dự kiến quy mô đầu tư vốn của Vinaconex vào các Dự án trong thời gian tới sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tổng quỹ đất 5.000ha", Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh khẳng định.
Cũng mục tiêu liên tục M&A thâu tóm quỹ đất, ông Phạm Đình Huy, Giám đốc khối Đầu tư Nam Long (NLG) cho biết công ty đã thương lượng xong các điều khoản thương mại để mua 2 khu đất thuộc khu Đông TP HCM (quận 9, Thủ Đức). Trong giai đoạn thị trường TP HCM khan hiếm quỹ đất, việc M&A trở nên khó khăn thì Nam Long lại thực hiện được 2 giao dịch với tổng diện tích hơn 100 ha, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2021. Giá trị mỗi dự án, theo ông Huy, đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 10 năm tích luỹ, hiện quỹ đất sạch của Nam Long hiện tại có hơn 700 ha, trở thành một trong số ít các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn nhất thị trường. Mặc dù sở hữu quỹ đất lớn nhưng Nam Long vẫn dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để săn thêm đất. Mục tiêu thu mua của NLG là quỹ đất phải có quy mô lớn và vị trí thuộc các tỉnh, thành phố vệ tinh hoặc tọa lạc tại cửa ngõ của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thậm chí vươn ra cả phía Bắc.
Trong chiến lược phát triển năm 2021, nhiều doanh nghiệp BĐS tự tin với kế hoạch tấn công sang các thị trường mới. Điển hình như Sunsshine Group, ngoài việc tiếp tục triển khai loạt dự án nhà ở, nghỉ dưỡng, secondhomes với tổng quy mô lên đến cả nghìn ha trong năm 2021 Tập đoàn Sunshine Group sẽ lấn sân sang mảng BĐS khu công nghiệp, cầu cảng và đặc biệt là xây dựng dân dụng với Công ty CP Xây dựng Smart Construction Group (SCG). Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chia sẻ năm 2021 sẽ là một năm bùng nổ của Tập đoàn Sunshine Group với 3 thế mạnh Bất động sản – Xây dựng – Tài chính.
Cùng với Sunshine, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã thông qua chủ trương góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt với vốn điều lệ 680 tỷ đồng . Phát Đạt sẽ góp 68% vốn, tương ứng 462 tỷ đồng vào công ty con này. Động thái thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt được xem như bước đi đầu tiên trong quá trình mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp của đại gia địa ốc TP.HCM vào năm 2021.
Doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên thị trường là Vinhomes cũng đã lấn sân sang bất động sản công nghiệp với việc thành lập Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes. Với quyết định này, Vinhomes chính thức trở thành công ty mẹ của Vinhomes IZ, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới đánh dấu sự chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp của tập đoàn Vingroup.
Không chỉ BĐS công nghiệp, nhiều đại gia BĐS khác cũng đang lấn sân sang mảng năng lượng. Điển hình là CTCP Tập đoàn Hà Đô đang bước vào giai đoạn mới khi từng bước chuyển mình từ một nhà phát triển bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo. Từ đầu năm đến nay, Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện. Theo chia sẻ lãnh đạo Tập đoàn này, năm 2021 mảng năng lượng sẽ tiếp tục được doang nghiệp này đẩy mạnh.
Ngoài Hà Đô, đại gia bất động sản Bitexco cũng đang là cái tên "nuốt trọn" nhiều dự án tái tạo năng lượng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco - Bitexco Power (thuộc Tập đoàn Bitexco) sở hữu và vận hành 18 nhà máy thủy điện tại Việt Nam với tổng công suất phát điện đạt khoảng 1Gigawatt (GW). Tháng 9/2019, doanh nghiệp này đã khánh thành nhà máy điện mặt trời Nhị Hà (giai đoạn 1) tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất 50MWp đánh dấu một bước tiến mới của Tập đoàn Bitexco trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đây cũng là bước ngoặt và là tiền đề để doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án tại các tỉnh lân cận.
Đánh giá về sự chuẩn bị tốt của các doanh nghiệp BĐS cho năm 2021, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết: "Nhìn chung, dưới góc nhìn tích cực nhưng thận trọng, chúng tôi cho rằng, năm 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản", ông Doanh nói.
"Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới", ông Doanh nhấn mạnh.