Một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ hôm 16/7 đã cảnh báo các nhà đầu tư về những hiệu ứng từ việc FED cắt giảm lãi suất. Theo đó, họ cảnh báo hoạt động kinh doanh có thể tụt xuống mức thấp nhất trong phần còn lại của năm 2019.
JP Morgan, Wells Fargo và Goldman Sachs đều đề cập đến chính sách tiền tệ của FED trong báo cáo thu nhập hằng quý của mình theo những hướng khác nhau. Theo đó, 3 ngân hàng này đều nói rằng những tác động tới lợi nhuận có thể được cảm nhận rõ trong thời gian tới vì sự chênh lệch giữa lãi suất mà ngân hàng thu được từ việc cho vay với phần lãi họ phải chịu khi trả cho những người tiết kiệm.
J.P. Morgan Chase, ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong quý 2, đã buộc phải cắt giảm dự báo lợi nhuận ròng cho năm 2019 từ 500 tới 57,5 tỷ USD. Jennifer Piepszak, CFO của ngân hàng, nói với các phóng viên rằng họ đang giả định Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ xem xét cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Theo bà Piepszak, nếu FED chỉ cắt giảm lãi suất 1 lần, lợi nhuận ròng của Ngân hàng có thể cao hơn 57,5 tỷ USD. Con số này sẽ giảm dần dựa theo số lần FED tiến hành cắt giảm lãi suất. Hôm 16/7, J.P. Morgan cũng đã công bố báo cáo lợi nhuận quý 2 và thỏa mãn những kỳ vọng cao nhất. Tuy nhiên, cổ phiếu của họ đang chịu thử thách bởi nguy cơ lãi giảm trong phần còn lại của năm.
Trong khi đó, lãnh đạo Wells Fargo cho biết môi trường lãi suất hiện tại cùng tình trạng đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng của ngân hàng.
"Quý trước, chúng tôi dự đoán rằng lợi nhuận ròng sẽ giảm 2 tới 5% trong năm nay so với năm 2018. Tuy nhiên, nếu môi trường lãi suất hiện nay tiếp tục được duy trì, chúng tôi sẽ phải hứng chịu sự sụt giảm hoặc 5% hoặc xấp xỉ như vậy", CFO Wells Fargo John Shrewsberry cho biết.
Theo Shrewsberry, lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm tăng trưởng cho vay, chênh lệch giá, mức lãi suất cũng như độ dốc của đường cong lợi suất. Mô hình hiện tại của Wells Fargo có thể chịu được một tới 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Dù vậy, không phải tất cả các ngân hàng đều cảnh giác như nhau với chính sách lãi suất của FED hay hướng mà cơ quan này sẽ thực hiện với lãi suất. Goldman Sachs có một phần đáng kể thu nhập từ lĩnh vực đầu tư nên cảm thấy khá thoải mái với chính sách lại suất của FED khi nó làm cho các nhà đầu tư phấn chấn và thị trường tăng điểm.
Theo Stephen Scherr, CFO của ngân hàng, thời gian qua có nhiều dấu hiệu làm các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang, lo lắng. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, dữ liệu kinh tế không khả quan cùng với chính sách lãi suất của FED khiến thị trường chứng khoán hứng chịu nhiều rung lắc. Tuy nhiên, khi chính sách lãi suất rõ ràng sẽ giảm, chiến tranh thương mại trở lại đàm phán, hoạt động trên thị trường chứng khoán đã được cải thiện, đặc biệt trong cuối quý 2.