Hiện trên sàn niêm yết các doanh nghiệp đã gần như hoàn tất việc công bố BCTC quý 3/2017, bên cạnh những doanh nghiệp công bố tình hình kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ thì có thể thấy có tới trên 50% các doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đáng chú ý nổi lên khoảng hơn 20% có mức tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ 2016. Câu hỏi được đặt ra là những doanh nghiệp nào lọt vào danh sách này và lãi lớn nhờ đâu?
Lãi nhờ thị trường bất động sản khởi sắc
Góp mặt trong danh sách là đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, nhóm ngành này đã có một quý kinh doanh rất thành công khi hàng loạt doanh nghiệp báo lãi cao nhờ doanh thu tăng trưởng mạnh. Đầu tiên phải kể đến Vạn Phát Hưng (VPH), sau khi báo lãi 6 tháng vỏn vẹn 7 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh cả năm "rất hoành tráng" là lãi 170 tỷ đồng, tưởng chừng có nguy cơ vỡ kế hoạch đã bất ngờ công bố con số lợi nhuận cao ngất ngưởng trong quý 3/2017. Nhờ hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển nhượng 03 khối chung cư của dự án La Casa đã giúp Vạn Phát Hưng thu về gần 175 tỷ đồng LNST. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, VPH đạt 181,6 tỷ đồng LNST tăng cao vượt trội so với cùng kỳ.
Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) nhờ doanh thu từ bán căn hộ tăng 5 lần lên 241 tỷ đồng; doanh thu môi giới bất động sản tăng hơn 3 lần lên 512 tỷ đồng nên LNST đạt 398 tỷ đồng, tăng 47 lần so với kết quả thực hiện trong quý 3/2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đất Xanh đạt 669 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 3,85 lần so với cùng kỳ năm trước.
Novaland (NVL) công bố khoản lãi ròng hợp nhất hơn 488 tỷ đồng, gấp 41 lần so với con số 11,7 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước nguyên nhân là do số lượng bàn giao các sản phẩm bất động sản cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả kinh doanh khả quan của NVL khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi trước đó vào quý 2 doanh nghiệp này báo lãi giảm sút mạnh.
Đáng chú ý ông lớn Vingroup (VIC) công bố doanh thu thuần quý 3 đạt xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 106% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là quý có doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử của Vingroup sau mức kỷ lục 23.900 tỷ của quý 3/2016. Trong đó mảng bất động sản vẫn là yếu tố chính đóng góp 14.388 tỷ đồng vào tổng doanh thu, chiếm tỷ trọng 65%. Lợi nhuận sau thuế riêng quý 3 đạt gần 903 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016.
Về việc nhiều doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận tăng trưởng cao, các chuyên gia nhận định ngoài yếu tố thị trường khởi sắc, giao dịch thuận lợi, dòng tiền dồi dào hơn, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiến độ thi công dự án và có “điểm rơi” lợi nhuận (thời điểm bàn giao nhà) vào quý 3 năm nay. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao một phần là do cùng kỳ năm ngoái đạt kết quả thấp.
Thép, chứng khoán lãi cao nhờ yếu tố thị trường
Hàng loạt thông tin đã hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép trong quý 3 như việc Trung Quốc giảm mạnh công suất sản xuất thép trong khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng đã khiến giá thép trên thị trường thế giới liên tục tăng trong quý 3/2017. Đáng chú ý, rào cản thuế quan khiến sắt thép nhập khẩu giảm mạnh, giúp giảm áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp thép nội địa. Sản lượng và giá thép tăng cao đã giúp lợi nhuận quý 3/2017 của nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng mạnh. Theo đó Thép Pomina (POM) đạt 249,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2017, mức lãi cao nhất trong một quý kể từ quý 2/2011 đến nay, tương tự Thép Dana - Ý cũng nhờ doanh thu tăng mạnh hơn mức tăng của giá vốn giúp DNY lãi ròng hơn 15 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 1,2 tỷ đồng cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán tăng điểm và thanh khoản ở mức cao là yếu tố quan trọng giúp khối công ty chứng khoán đạt kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng. CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) báo lãi quý 3 đạt 120,43 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm 2016. Ba mảng kinh doanh đem lại doanh thu chính cho SHS bao gồm: tự doanh, cho vay ký quỹ và môi giới chứng khoán.
Lãi cao nhờ hoạt động tài chính, hoạt động khác
Đầu tiên là trường hợp của Quốc Cường Gia Lai (QCG), "đại gia phố núi" ghi nhận hơn 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3, tăng đột biến so với khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên kết quả đột biến này không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà chủ yếu từ lợi nhuận hoạt động tài chính. Trong kỳ, Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt hơn 117 tỷ đồng doanh thu, bằng 20% cùng kỳ, với lợi nhuận gộp chỉ hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản doanh thu tài chính cao đột biến hơn 200 tỷ giúp công ty báo lãi lớn. Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, nguyên nhân doanh thu trong kỳ giảm là do các dự án mới vẫn đang trong quá trình góp vốn xây dựng chưa đến giai đoạn bàn giao. Tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh nhờ chuyển nhượng vốn đầu tư tại công ty con.
Tập đoàn PAN (PAN) công bố lợi nhuận sau thuế đạt 300,6 tỷ đồng – tăng 382% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của PAN, doanh thu tăng trưởng chủ yếu do đẩy mạnh mảng kinh doanh điều tại LAF và công ty con mới là CTCP Bibica (BBC). Riêng trong quý 3/2017, BBC đóng góp 334 tỷ đồng doanh thu cho PAN – chiếm 12,6% tổng doanh thu.
Đầu tư LDG (LDG) công bố lợi nhuận sau thuế đạt 50,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20,7 tỷ đồng nguyên nhân là do công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác 46,3 tỷ đồng, chủ yếu là khoản thanh lý đầu tư dài hạn. Hay một doanh nghiệp BĐS khác là Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) ghi nhận lợi nhuận 3 quý đầu năm 2017 ở mức 53,3 tỷ đồng, tăng gần 200% so với mức 17,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính. C47 cũng nhờ ghi nhận hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức nên cũng đã báo lãi cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Hay như VICEM Vật tư Vận tải Xi măng (VTV) nhờ hoạt động khác mang về khoản lãi lên tới 51,56 tỷ đồng do công ty nhượng bán tàu biển Comatce Sun nên kết quả VTV lãi ròng 46,3 tỷ đồng tăng cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra trong danh sách này còn có các cái tên đáng chú ý khác như PPC, VIP, HAG, OGC mặc dù các khoản lãi không thực sự quá cao nhưng do cùng kỳ lỗ hoặc lãi thấp nên các doanh nghiệp này cũng đã có mức tăng trưởng rất lớn.
Lãi cao quý 3 nên sớm cán đích lợi nhuận cả năm 2017
Lãi lớn trong quý 3 đã giúp hàng loạt các doanh nghiệp trong danh sách này vượt thậm chí vượt xa đích lợi nhuận cả năm 2017 trong đó đáng chú ý như trường hợp của VPH, POM, SHS, MDG, IDI, PAN, C47 lợi nhuận quý 3 đóng góp chính vào thành tích 9 tháng của các doanh nghiệp này đã giúp hoàn thành vượt kế hoạch 2017. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành mục tiêu ở mức thấp như ông lớn Novaland (NVL), với mục tiêu lãi tới 3.144 tỷ đồng thì tính đến hết tháng 9 công ty mới chỉ hoàn thành được 42% kế hoạch hay Sudico (SJS) do lãi thấp trong nửa đầu năm nên 9 tháng cũng mới chỉ đạt được vỏn vẹn 16% kế hoạch, TDC cũng mới chỉ đạt được 18% kế hoạch. Một trường hợp "vượt kế hoạch" thú vị là Ocean Group trong khi mục tiêu chỉ là lỗ 14 tỷ đồng nhưng hết quý 3 OGC đã lỗ được tới 226 tỷ đồng.
Lợi nhuận đột biến trong quý 3/2017 là yếu tố giúp nhiều cổ phiếu trong danh sách trên tăng giá mạnh trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản đang được giao dịch trên sàn khá sôi động.