Từ những khoản lỗ trăm tỷ
Đầu tiên phải kể đến khoản lỗ của Thủy sản Hùng Vương (HVG) trong niên độ cuối của kỳ tài chính 2018 - 2019, HVG đã báo lỗ 242 tỷ đồng chủ yếu do bán hàng thấp hơn giá vốn và công ty không còn ghi nhận doanh thu tài chính và lãi khác bất thường như cùng kỳ. Lũy kế cả năm tài chính 2018-2019, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi âm -476 tỷ đồng nâng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 lên đến 892 tỷ đồng.
Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) ghi nhận lỗ sau thuế gần 200 tỷ đồng trong quý 3 nâng số lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên đến 422 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 269 tỷ đồng. Số lỗ này làm Đạm Hà Bắc ghi nhận tổng lỗ lũy kế đến hết quý 3 là 3.077 tỷ đồng. Nếu tính về năm, Đạm Hà Bắc đã lỗ 3 năm liên tiếp từ 2016 đến 2018 và thêm cả 3 quý đầu năm 2019. Đồng thời, vốn chủ sở hữu ghi âm 310 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 2.722 tỷ đồng.
Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) tiếp tục báo lỗ ròng lên đến 178 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thua lỗ hơn 33 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TTF lỗ ròng gần 498 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức thua lỗ khoảng 765 tỷ cùng kỳ, năm 2019 TTF dự trù lỗ ròng 588 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 3/2019, TTF đang có mức lỗ lũy kế hơn 2.603 tỷ đồng, vốn chủ âm 127 tỷ. Tổng tài sản đạt 2.532,6 tỷ, nợ hiện vượt với 2.659,5 tỷ đồng – riêng nợ vay vào mức 498 tỷ đồng.
Tiếp đó là khoản lỗ 128 tỷ đồng của Yeah1 (YEG) khiến 9 tháng lỗ ròng 230 tỷ đồng. Hiện, Yeah1 đang đầu tư khá nhiều mảng mới và kỳ vọng sẽ mang về hiệu quả tài chính trong nửa năm sau, song thực tế khoản lỗ lũy kế hơn 230 tỷ đồng, câu hỏi đặt ra liệu Yeah1 có hoàn thành chỉ tiêu lãi 180 tỷ theo như ĐHĐCĐ thường niên 2019 giao phó?
Nổi cộm nhất ngành thép đó là khoản lỗ 119 tỷ đồng của Thép Pomina (POM) nâng tổng lỗ từ đầu năm lên trên 252 tỷ đồng - Đây cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp sau quãng thời gian dài kinh doanh có lãi của công ty. Giá vốn tăng cao, chi phí tài chính tăng mạnh là những nguyên nhân chính dẫn tới số lỗ 252 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm của Thép Pomina – cách rất xa so với số lãi hơn 400 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2018 và cũng còn cách rất xa chỉ tiêu lãi sau thuế 400 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó.
Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) lỗ 115 tỷ đồng, tăng 13 tỷ đồng so với số lỗ hơn 102 tỷ đồng ghi nhận quý 3 năm ngoái. Gánh nặng chi phí tài chính, nên Nhiệt điện Cẩm Phả vẫn ghi nhận lỗ hơn 79,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, đỡ hơn rất nhiều so với số lỗ hơn 303 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến cuối quý lên 1.155 tỷ đồng.
Đến những khoản lỗ triền miên
Với việc đã dừng sản xuất liên tiếp trong 12 tháng trong khi vẫn phát sinh nhiều loại chi phí khiến Thép Dana – Ý chịu lỗ thêm gần 90 tỷ đồng quý thứ 4 liên tiếp nâng mức lỗ ròng 9 tháng lên con số 263 tỷ đồng. Điểm sáng được DNY hé lộ là hiện thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương di dời một phần hoạt động sản xuất – di dời các xưởng cán thép vào hoạt động tại KCN Hòa Khánh theo đó công ty đang thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.
Một doanh nghiệp khác là Thép Việt Ý (VIS) cũng đã báo lỗ tiếp 75 tỷ đồng trong quý 3 nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 lên 141 tỷ đồng – Đây đã là quý thứ 6 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ chủ yếu do giá vốn cao hơn cả doanh thu. Mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty chỉ bị lỗ hơn 92 tỷ đồng. Ngoài ra Thép Tiến Lên (TLH) cũng đã lỗ 8,8 tỷ đồng trong quý 3 tuy nhiên tính chung 9 tháng thì doanh nghiệp này vẫn có lãi 29 tỷ đồng dù sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
XNK Quảng Bình (QBS) góp mặt trong danh sách này với khoản lỗ quý 3 gần 66 tỷ đồng nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 113 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty là có lãi 50 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ là do trong kỳ công ty phải trích lập dự phòng khoản đầu tư giảm giá đối với khoản đầu tư vào CTCP DAP - Vinachem.
Nhóm công ty chứng khoán có sự góp mặt của WSS, BMS và APS trong khi Chứng khoán Phố Wall (WSS) báo lỗ tiếp hơn 53 tỷ đồng chủ yếu do lãi lỗ liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại giá trị hợp lý các khoản đầu tư tài chính thì Chứng khoán Bảo Minh (BMS) và chứng khoán APEC lần lượt báo lỗ 42 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Tiếp đó BOT cầu Thái Hà (BOT) đã lỗ tiếp 42 tỷ đồng - Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp BOT thua lỗ kể từ khi chào sàn và nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 lên 128 tỷ đồng. Gánh nặng khoản vay nợ chính là nguyên nhân dẫn tới số lỗ lớn BOT Cầu Thái Hà đang phải gánh giai đoạn đầu thu phí.
Ngành vận tải biển vẫn lận đận khi lần lượt các khoản kinh doanh thua lỗ được các doanh nghiệp công bố. Dù đã đổi tên nhưng vận tải Phương Đông (NOS) vẫn không đổi vận, quý 3 NOS lỗ thêm gần 35 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu tiếp tục âm tới gần 3.781 tỷ đồng.
Không lỗ lớn như NOS nhưng Hàng hải Đông Đô (DDM) cũng đã lỗ liên tiếp tận 30 quý khiến lỗ lũy kế đã lên tới 864 tỷ đồng. Trong lĩnh vực vận tải biển hiện còn VOSCO (VOS) vẫn chưa công bố BCTC quý 3/2019, kết thúc nửa đầu năm 2019 VOS đã lỗ hơn 71 tỷ đồng.
PXS lỗ tiếp quý thứ 8 với con số gần 21 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, PXS đã lỗ tới trên gần 71 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty chỉ cần có lãi 0,7 tỷ đồng. Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (Hakinvest) báo lỗ tiếp quý thứ 9 gần 13 tỷ đồng nâng mức lỗ ròng trong 9 tháng đầu năm 2019 lên hơn 39 tỷ đồng.