Trái ngược với hoạt động kinh doanh sầm uất ở mặt đường phố cổ, bên trong từng con ngõ nhỏ là cảnh buôn bán chật vật, kỳ lạ chưa từng thấy của những tiểu thương ở đây.
Cái nhộn nhịp của người mua kẻ bán đôi khi chỉ gói gọn trong khoảng không gian chưa tới 1m2
Phố cổ Hà Nội được coi là vị trí đắc địa cho các hoạt động kinh doanh buôn bán với sự đa dạng về đối tượng khách hàng cũng như loại hình dịch vụ. Tuy nhiên, không dễ để sở hữu một khu đất ở đây, thậm chí việc tìm thuê mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn vì quá đắt đỏ.
Sự sầm uất của hàng quán ở mặt đường phố cổ trở thành điểm nhấn thu hút nhiều du khách quốc tế. Song, các hoạt động buôn bán ẩn mình trong từng con ngõ nhỏ mới thực sự tạo ra nét đặc trưng vô cùng thú vị cho “khu đất vàng” này.
Hàng Chiếu; hàng Ngang; Ngõ Gạch; Lò Sũ… là những con phố chỉ cần nhắc tên người ta đã nghĩ ngay đến những con ngõ siêu nhỏ với chiều ngang chưa đầy 1 mét. Ở đây, người dân chấp nhận cuộc sống quanh năm không thấy mặt trời thậm chí tiềm ẩn nhiều nỗi lo với tử thần vì hệ thống điện lưới chằng chịt và những bức tường chỉ chờ một lý do để… đổ.
Vậy hoạt động kinh doanh trong những con ngõ siêu nhỏ này diễn ra như thế nào? Tiểu thương ở đây đã xoay xở ra sao để “sống sót” trong hàng chục năm qua?
Cuộc sống kinh doanh nhộp nhịp ở mặt đường phố cổ tạo ra bức tranh đối nghịch với những gì diễn ra bên trong những con ngõ siêu nhỏ ở Hà Nội.
Những con ngõ nhỏ xuất hiện ở hầu hết các tuyến phố thuộc khu vực phố cổ Hà Nội, trong đó đặc biệt phố Hàng Buồm, chỉ kéo dài khoảng 300m nhưng có hàng chục ngõ nhỏ, chiều ngang từ 50cm đến 1m.
Do diện tích chật hẹp, người dân ở đây buộc phải tìm cách biến những con ngõ này thành địa bàn kinh doanh, tận dụng triệt để mọi khoảng trống để trưng bày hàng hóa.
Ban đầu, ở đây chủ yếu chỉ bán quần áo, đồ ăn đặc biệt là quán trà đá. Đây là những loại hình cần quá nhiều cơ sở vật chất để phục vụ khách hàng.
Tiểu thương ở đây sáng tạo những kiểu trưng bày quần áo “chẳng giống ai”. Theo cô Hải, một người bán hàng ở đây cho biết: Cùng một con ngõ, những người dân sống chung ở đây chia thành 3-4 ca khác nhau để thay nhau buôn bán, mỗi người bán một mặt hàng khác nhau.
Không chỉ buôn bán để sống qua ngày, nhiều hàng quán ở đây còn trở thành địa chỉ nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Trong ảnh là một quán ăn vặt gần Nhà thờ lớn Hà Nội, chủ quán tận dụng ½ ngõ nhỏ để kinh doanh. Vào giờ tan tầm, để được ăn ở quán này khách hàng phải đợi cả tiếng vì hết chỗ.
Có cả một thế giới thu nhỏ với những câu chuyện bi hài độc nhất vô nhị bên trong những con ngõ rộng chưa đầy 1m. Nhiều hộ kinh doanh chung ngõ thậm chí phải dùng chung cả nhà vệ sinh.
Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều người nhìn thấy tiềm năng kinh doanh trong những con ngõ nhỏ này và mong muốn biến những bất tiện trở thành lợi thế “hiếm có khó tìm” nên đã đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ khác như homestay (nhà ở cộng đồng); quán cà phê; quán bar…
Du khách Tây tỏ ra rất thích thú khi được trải nghiệm sinh sống trong những con ngỏ chỉ vừa 1 người đi như thế này.
Từ một con ngõ bé nhỏ đơn điệu, chủ quán cà phê biến nơi này thành một bức tranh sinh động từ những món đồ phế liệu cũ.
Khung cảnh quán cà phê sau khi bước qua con ngõ nhỏ tạo ra sự choáng ngợp bất ngờ. Tận dụng lối nhỏ để dẫn đường thực khách đến không gian mở độc đáo là ý tưởng mà anh Nguyễn Văn Thơ (sinh năm 1983) chủ quán cà phê này cho rằng: “Tôi muốn khách nhất định phải bước vào quán từ một con ngõ nhỏ “rất Hà Nội” sau đó vỡ òa vì không gian bất ngờ bên trong. Nếu là mặt đường thì quá bình thường”.
Những con ngõ nhỏ được hình thành hàng chục năm và càng ngày càng chật trội hơn bởi mật độ dân số tăng, nhiều nhà sửa chữa khiến không gian sống bị thu hẹp. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh trong những con ngõ này lâu dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội nói chung và của người dân, tiểu thương phố cổ nói riêng.
(Theo Dân Việt)