Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 2/7 đã có thư chia tay gửi ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên Vietcombank.
Ông Thành sẽ thôi làm Chủ tịch HĐQT Vietcombank và được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong thư gửi cán bộ nhân viên, ông Thành nhớ lại thời điểm cách đây tròn 8 năm (2013) khi được điều động từ vị trí Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giữ chức Tổng giám đốc Vietcombank và bày tỏ: "Thời điểm ấy trong tôi có những tâm trạng giữa niềm vui và nỗi lo đan xen: Vui vì được lãnh đạo Ngành tín nhiệm giao trọng trách người điều hành cao nhất ở ngân hàng thương mại nhà nước có uy tín hàng đầu Việt Nam; nhưng lại lo vì áp lực và thách thức không hề nhỏ. Kỳ vọng của lãnh đạo NHNN đặt vào Vietcombank không chỉ phải đổi mới, tăng tốc phát triển nhanh hơn mà còn phấn đấu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, trong khi tôi là Tổng giám đốc Vietcombank đầu tiên không xuất thân từ Vietcombank, chưa có thời gian trải nghiệm, hiểu biết về con người, văn hóa, hoạt động của Vietcombank".
Song những lo lắng nhanh chóng qua ngay sau những ngày làm việc đầu tiên. Ông cũng thấy mình là người may mắn khi được trao cơ hội làm việc tại Vietcombank với vị trí thuyền trưởng.
Chia sẻ với Trí thức trẻ trong những ngày cuối cùng ở vị trí Chủ tịch Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành tâm sự: "Tôi thấy mình là người may mắn khi được trao cơ hội làm việc tại Vietcombank với vị trí Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT. Điều tôi thấy vui mừng và tự hào nhất là chúng tôi là một tập thể đoàn kết, chung một mục tiêu, chung một con đường, chung một khát vọng và chinh phục thành công mục tiêu đã chọn. Đó mới là cái lớn chứ không phải thành công của riêng ai".
Ông Nghiêm Xuân Thành. Ảnh: Nguyễn Nguyễn
Ông Nghiêm Xuân Thành sinh ngày 2/11/1969, quê quán tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp Đại học Ngân hàng và có bằng Tiến sỹ kinh tế. Ngoài ra, ông có trình độ lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tính đến nay, ông Thành có hơn 30 năm công tác trong ngành ngân hàng, trong đó có 24 năm ông gắn bó với ngân hàng VietinBank và 8 năm gắn bó với Vietcombank.
Bắt đầu từ tháng 10/1988, ông Nghiêm Xuân Thành bước chân vào ngành ngân hàng với vị trí đầu tiên chỉ là một cán bộ nhân viên bình thường của phòng Kế toán tại Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh Vĩnh Phúc. 6 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kế toán của Ngân hàng Công thương Phúc Yên.
Tháng 6/1997, ông Thành được chuyển về làm Cán bộ phòng Tổ chức Cán bộ và đào tạo ngân hàng Công thương và sau đó từ 1999 - 2008, ông dần được bổ nhiệm lên làm Phó Chánh Văn phòng – Thư ký TGĐ; Trưởng ban thư ký HĐQT; Trưởng phòng Quản lý rủi ro và nợ có vấn đề; Trưởng phòng Quản lý Nợ có vấn đề; Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân, Giám đốc chi nhánh Đống Đa.
Đến tháng 1/2012, ông Thành được bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc VietinBank. 6 tháng sau ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng NHNN.
Tháng 4/2013, ông Nghiêm Xuân Thành chính thức tham gia HĐQT Vietcombank.
Tháng 10/2014, ông Thành đảm nhiệm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcombank.
Tháng 11/2014, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vietcombank và đảm nhiệm vị trí này trong suốt 7 năm cho đến nay.
Những kỷ lục của Vietcombank dưới thời ông Nghiêm Xuân Thành làm Chủ tịch HĐQT
Trong thời gian lãnh đạo tại Vietcombank, ông Thành đã tạo được dấu ấn lớn khi đưa ngân hàng này đạt được những thành tựu ấn tượng, ghi nhận nhiều kỷ lục trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, tổng tài sản của Vietcombank tăng gấp hơn 2 lần lên hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank cuối quý 1/2021 đạt hơn 871 nghìn tỷ đồng. Lượng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1 triệu tỷ, trong đó hơn 300 nghìn tỷ là tiền gửi không kỳ hạn.
Năm 2019, Vietcombank trở thành ngân hàng Việt đầu tiên có lợi nhuận cán mốc 1 tỷ USD, đạt 23.122 tỷ đồng. Sang năm 2020, do tác động bởi Covid-19 và tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng khó khăn do đại dịch, lợi nhuận Vietcombank giảm nhẹ xuống 23.045 tỷ đồng nhưng vẫn duy trì vị trí quán quân toàn ngành. So với năm 2014, lợi nhuận của nhà băng này đã tăng gấp 4 lần.
Song song với tăng trưởng lợi nhuận, chất lượng tài sản của Vietcombank cũng luôn dẫn đầu trong hệ thống khi luôn ở trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank cuối năm 2020 đã đạt 360%, là mức cao nhất toàn ngành, cũng là mức cao hiếm có trên thế giới. Năm 2021, Vietcombank là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes.
Năm 2019, Vietcombank chính thức ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD. Đây được biết là thương vụ Bancassurance có giá trị cao nhất tại thị trường Việt Nam từ trước đến nay, ước tính đạt hơn 1 tỷ USD.
Trong những năm qua, Vietcombank là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Theo danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất năm 2019 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Vietcombank là ngân hàng nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp niêm yết nộp thuế thu nhập lớn nhất cả nước.
Trên thị trường chứng khoán, vốn hóa của Vietcombank hiện đạt hơn 430 nghìn tỷ đồng, là doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa cao nhất thị trường. Cổ phiếu VCB của Vietcombank có thị giá 115.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với những ngân hàng còn lại.