Theo báo cáo Khảo sát đầu tư tư nhân Việt Nam năm 2020 vừa công bố của Grant Thornton, các nhà đầu tư tham gia khảo sát cho hay, trong 12 tháng tới sẽ chọn tham gia vào những ngành hấp dẫn như giao nhận, vận tải; giáo dục; năng lượng xanh/tái tạo; công nghệ - fintech và y tế - dược phẩm.
Nguồn: Grant Thornton
Giao vận
Quy mô thị trường sẽ đạt 113 tỷ USD vào năm 2022, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép - CAGR là 16,6%. Các Hiệp định thương mại tự do & Thương mại điện tử là động lực thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu và giao vận.
Các nhà sản xuất lớn như Apple, LG và Panasonic coi Việt Nam là một mắt xích mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối của họ, giúp giảm tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện hiệu quả hoạt động vì cấu phần của thị trường hiện tại chủ yếu là các công ty nhỏ cung cấp các dịch vụ đơn giản hoặc là trung gian.
Giáo dục
Báo cáo Grant Thornton chỉ rõ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh kéo theo nhu cầu đầu tư. Khi thu nhập khả dụng tăng, chi tiêu cho giáo dục sẽ tăng lên do văn hóa Việt Nam coi trọng giáo dục.60% dân số từ 40 tuổi trở xuống đang phấn đấu có thêm kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Tăng trưởng hoạt động đầu tư được thúc đẩy bởi các chính sách khuyến khích 100% sở hữu bởi tư nhân và nước ngoài. Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ hội thống lĩnh thị trường vì thị trường còn khá phân mảnh.
Y tế
Tăng trưởng được hỗ trợ bởi sự gia tăng dân số và số lượng lớn người có độ tuổi trên 65, chiếm 8% dân số vào năm 2019 và sẽ tăng gấp đôi lên 16% vào năm 2040 với tổng dân số là 107,8 triệu người.
Chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng với mức CAGR là 9,8%, từ 194 USD vào năm 2019 lên 309 USD vào năm 2024. Ngoài ra, sự thiếu hụt nhân lực có trình độ và cơ sở hạ tầng y tế không đầy đủ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lớn, do đó cơ hội đầu tư rất lớn.
Công nghệ
Tăng trưởng trong quá khứ ấn tượng với 26,1% CAGR 2015-2019. Nhiều động lực thúc đẩy đầu tư bao gồm ưu đãi thuế hấp dẫn, hỗ trợ tín dụng của Chính phủ và nguồn cung lao động chi phí thấp - chất lượng cao.
Trong đó, 5 mảng triển vọng nhất bao gồm:
- Công nghệ Giáo dục với CAGR đạt 20,2% trong giai đoạn 2019-2023, đồng thời có 55 triệu USD đầu tư trong năm 2019.
- Fintech với giá trị thị trường 7,8 tỷ USD vào năm 2020, hơn150 công ty fintech hiện nay có mặt trên thị trường Việt Nam.
- Gia công phần mềm với doanh thu 8,8 tỷ USD năm 2018 cùng nhiều ưu đãi từ Chính phủ.
- Trí tuệ nhân tạo cùng nhiều ứng dụng đang nổi lên trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, ngân hàng... và chịu ảnh hưởng từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
- Thương mại điện tử với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD giai đoạn 2016-2019; xếp thứ 3 trong thị trường thương mại điện tử của ASEAN vào năm 2025.
Năng lượng tái tạo
Công suất lắp đặt hệ thống điện lớn thứ hai ở ASEAN với 54.880MW vào năm 2019. Đây là ngành được ưu tiên với tỷ trọng mục tiêu của năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện lần lượt là 6,5%, 6,9% và 10,7% vào các năm 2020, 2025 và 2030. Để đạt được mục tiêu này, ngành công nghiệp tái tạo cần 10,8 tỷ USD đầu tư hàng năm từ nay đến năm 2030.
Nhóm phân tích kết luận, ngành này nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ, bao gồm: chính sách thuế ưu đãi, biểu giá feed-in tariffs (FiT) và chấp thuận cho 100% sở hữu bởi nước ngoài tại các công ty năng lượng.