Trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân không ra đường nếu không có lý do chính đáng như đi mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu… Vậy danh mục lương thực, thực phẩm này gồm những gì?
Hiện TP HCM, các tỉnh ĐBSCL và một số địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chỉ thị 16, nếu người dân ra đường trong thời gian địa phương áp dụng Chỉ thị 16 mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng về hành vi "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế". Thực tế, đã có nhiều người bị xử phạt do ra đường đi mua những hàng hóa hay thực hiện các dịch vụ không thiết yếu.
Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân được phép ra đường mua các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm - Ảnh: Ngô Nhung |
Văn phòng Chính phủ trong Công văn số 2601/VPCP-KGVX ban hành ngày 3-4-2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16 đã nêu rõ "nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết" như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn…; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m .
Những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 gồm:
Đối với các siêu thị, chợ dân sinh, các cửa hàng tiện lợi , tiện ích: chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu gồm:
- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt); thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản); rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả); trái cây; trứng (các sản phẩm từ trứng);
- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo; muối; bột nêm; gia vị; nước mắm; đường; dầu thực vật; Sữa các loại; Mỳ gói các loại và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân; Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng;
- Lương thực: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột);
- Các nhu yếu phẩm cần thiết: Khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.
Các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động gồm:
- Siêu thị; chợ dân sinh; cửa hàng tiện lợi, tiện ích; cửa hàng tạp hóa; cửa hàng kinh doanh trái cây; chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm (chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu);
- Các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh;
- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas khí đốt;
- Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh: Thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh.
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình;
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, thanh toán điện tử;
- Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển;
- Xuất, nhập khẩu hàng hóa;
- Dịch vụ bảo vệ;
- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp;
- Các cửa hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; - Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang.
Khi thực hiện giao dịch các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên cần hạn chế di chuyển, giao dịch trực tiếp, không tập trung đông người cùng một thời điểm; đồng thời, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn… theo hướng dẫn của ngành y tế (riêng đối với các chợ dân sinh, siêu thị phải thực hiện phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển một chiều vào, một chiều ra khi mua sắm).
(Theo Người Lao Động)