“Cơn sốt” đầu cơ xuất phát từ những lý do đồng USD giảm giá so với rổ tiền tệ, nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu mạnh từ nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc – trong mấy tuần gần đây đã đẩy giá các kim loại công nghiệp lên mức cao kỷ lục nhiều năm.
Giá đồng đã tăng liên tiếp 3 tháng qua, trong khi giá nhôm, nickel và kẽm tháng 8 tăng mạnh nhất trong vòng nhiều năm. Giá thép cây và quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tăng kéo dài trong nhiều tháng góp phần đẩy tăng giá kim loại công nghiệp, nhất là những nguyên liệu sản xuất thép không gỉ như nickel và kẽm.
Đồng USD tháng 8 tăng nhẹ nhưng trước đó đã giảm giá liên tiếp 5 tháng khiến các kim loại trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ những tiền tệ khác.
Giới đầu tư bắt đầu hướng tới nhóm kim loại sau khi có tin Trung Quốc lên kế hoạch cấm nhập khẩu một số phế liệu kim loại từ cuối năm 2018. Trên thực tế, đó mới chỉ là một phần trong chiến dịch chống nhập khẩu phế liệu từ thị trường nước ngoài để giảm ô nhiễm môi trường ở các ngành công nghiệp, động thái khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu kim loại từ nước ngoài.
“Nhu cầu về cơ bản rất mạnh, những cải cách về nguồn cung ở Trung Quốc và USD yếu đi đồng loạt khiến cho kim loại công nghiệp trở nên hấp dẫn”, Ingrid Sternby, nhà phân tích cấp cao của Blenheim Capital Management cho biết.
Đồng tiền Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng so với rổ tiền tệ khiến cho những hàng hóa tính theo USD trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác – mối quan hệ lịch sử luôn diễn ra khi các quỹ mua hoặc bán hàng hóa để kiếm lời nhờ chênh lệch tỷ giá.
Đồng: Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 (ngày 31/8), giá đồng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 3 năm lên mức 6.872 USD/tấn, và tính chung cả tháng 8 tăng tới 7,5% sau khi các số liệu cho thấy hoạt động sản xuất mạnh mẽ ở Trung Quốc làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh ở thị trường khổng lồ này. Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2/2017 cao nhất trong vòng hơn 2 năm, với số việc làm trong lĩnh vực tư nhaân tăng mạnh nhất 5 tháng trong tháng 8.
“Đầu tiên là các nhà đầu cơ Trung Quốc mua vào, giá do đó tăng lên thúc đẩy các quỹ khác mua theo”, ông Sternby cho biết. “Xu hướng này có thể kéo dài trong vài tháng bởi dự báo sẽ không có thông tin ”tiêu cực” nào phát đi từ Trung Quốc trước khi diễn ra Đại hội Đảng vào cuối năm nay”.
Việc nước này cấm nhập khẩu phế liệu sẽ có tác động rất lớn đối với mặt hàng đồng vì dự báo sẽ thiếu cung vào cuối thập kỷ này do nguồn cung quặng suy giảm và nhiều dự án mới bị huỷ bỏ, trong khi kim loại đồng lại được sử dụng rất rộng rãi trong các lĩnh vực điện và xây dựng. Được biết, Trung Quốc năm 2016 chiếm 55% tổng sản lượng đồng toàn cầu (ước tính 59 triệu tấn), so với mức 11% trong 25 triệu tấn vào năm 1999. Về nhu cầu, thị trường này chiếm gần một nửa nhu cầu đồng toàn cầu – ước tính khoảng 23 triệu tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, yếu tố nguồn cung khan hiếm – đã hỗ trợ giá tăng mạnh trong năm nay – sắp tới sẽ không còn nữa vì sản lượng ở Chile – nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới – đã tăng trở lại , và Indonesia đã đồng ý cho phép Freeport-McMoRan Inc khai thác trở lại mỏ đồng Grasberg.
Nhôm: Giá nhôm phiên cuối tháng cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2013, đạt 2.139 USD/tấn. Tính chung cả tháng, giá tăng 11,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2010.
Việc cắt giảm công suất sản xuất ở Trung Quốc đã đẩy giá nhôm tăng, nhưng các nhà sản xuất chắc chắn sẽ đẩy tăng sản lượng khi giá đã lên tới mức cao như hiện nay, nhà phân tích Warren Patterson của công ty ING cho biết.
Sản lượng nhôm Trung Quốc tăng sẽ chuyển ra thị trường toàn cầu – vốn dư thừa trong mấy năm gần đây. “Đầu tư quá nhiều vào sản xuất nhôm ở Trung Quốc đã dẫn tới dư thừa công suất và thiếu hiệu quả”, các nhà phân tích của BoA Merrill Lynch cho biết. Mỹ đã khởi kiện ngành công nghiệp nhôm Trung Quốc lên WTO và vụ kiện này đang chờ xét xử.
Tuy nhiên Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn sản xuất nhôm trái phép và tiến hành kiểm tra gắt gao để đảm bảo các cơ sở sản xuất đều đạt tiêu chuẩn về môi trường để giảm ô nhiễm.
Nhôm là kim loại sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực vận tải và đóng gói.
Kẽm: Quan điểm cứng rắn vì một môi trường lành mạnh hơn cảu Trung Quốc cũng đã làm gia tăng lo ngại về sự thiếu kẽm khi nhiều mỏ phải đóng cửa buộc nước này phải tăng nhập khẩu kim loại dùng để mạ thép này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo giá kẽm ở mức cao nhất 10 năm (3.138 USD/tấn) như hiện nay đủ để thúc đẩy các nhà sản xuất khôi phục sản xuất trở lại.
"Kẽm sẽ là kim loại mà tôi không muốn đầu tư nhất bởi dự báo nguồn cung sẽ sớm đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Sternby cuả Blenheim cho biết.
Giá kẽm đã tăng 12,2% trong tháng 8, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2015.
Nickel: Giá nickel đã tăng 14,3% trong tháng 8, mạnh nhất kể từ tháng 4/2014.
“Nickel có thể sẽ còn tiếp tục gây bất ngờ khi còn tăng giá hơn nữa vì các nhà sản xuất thép không gỉ vẫn đang làm đầy kho dự trữ, mặc dù nguồn cung rồi cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Sternby nhận định.
2/3 nhu cầu nickel thế giới đến từ lĩnh vực thép không gỉ, phần lớn trong đó xuất phát từ Trung Quốc. UBS đã nâng dự báo vè tăng trưởng nhu cầu thép không gỉ trong năm nay lên 3,5% từ mức 1,1% dự báo trước đây, và mức tăng sẽ còn mạnh hơn nữa đạt 6,2% trong năm 2018.
Triển vọng nguồn cung sẽ còn khan hiếm do xuất khẩu từ Philippines - nước xuất khẩu quặng nickel lớn nhất thế giới – giảm càng hỗ trợ giá nickel tăng.
Giá nickel đã lên mức cao nhất 9 tháng là 11.885 USD/tấn trong tuần cuối tháng 8, tăng hơn 15% so với hồid dầu năm.
Tuy nhiên, tồn trữ nickel hiện vẫn ở mức cao. Nhà phân tích Robin Bhar của Societe Generale cho biết tồn trữ tại Sàn giao dịch London đã đạt trên 386.000 tấn, bằng khoảng 1/5 tiêu thụ toàn cầu và có thể làm nản lòng các nhà đầu tư.