Khủng hoảng bất động sản, năng lượng và áp lực trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đem đến sự rối bời cho Trung Quốc trong những tháng cuối cùng của năm 2021. Tuy nhiên, bằng những chính sách quyết liệt trong việc siết chặt sản lượng thép và “hạ nhiệt” các lò than, Bắc Kinh vẫn đang cố gắng đem lại một bầu trời đẹp hơn cho Thế vận hội Mùa đông sắp tới.
Thị trường kim loại thế giới theo đó cũng chứng kiến sự biến động lớn và thất thường trong thời gian gần đây. Chỉ số MXV-Index Kim loại, chỉ số thể hiện sự biến động của các mặt hàng kim loại đang được liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) giảm 1% xuống còn 1.835 điểm trong ngày hôm qua (3/11). Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư vào nhóm kim loại đang có sự gia tăng rõ rệt, đạt trung bình hơn 500 tỷ đồng/phiên trong 3 ngày qua.
Sản xuất giảm tốc, giá than “nguội” dần
Quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn là vấn đề nóng hổi trong những tháng cuối năm. Theo Caixin Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã giảm hai tháng liên tiếp, đạt 49,2 điểm trong tháng 10. Điều này cho thấy ngành sản xuất đang ở trạng thái trì trệ.
Vào tháng 10, lượng trái phiếu đặc biệt mới được bổ sung là 537,2 tỷ nhân dân tệ (NDT), nâng tổng giá trị trái phiếu phát hành trong 10 tháng qua lên 2.750 tỷ NDT, đạt 3/4 kế hoạch năm. Chính phủ nước này có thể còn tăng cường hỗ trợ tài khóa hơn nữa để chống lại sự suy giảm kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Những mối lo liên tiếp bủa vây Trung Quốc. Không chỉ mắc nợ bất động sản, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu cũng đẩy quốc gia này vào thế khó. Dưới tác động của việc khan hiếm nguồn cung, giá than cốc luyện kim của Trung Quốc đã tăng một mạch gần 60% so với cuối tháng 7. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng các nhà máy ở phía bắc và đông bắc Trung Quốc đã hạ giá mua than cốc tới 200 nhân dân tệ/tấn ngay trong tuần này.
Giá than đá cũng giảm 20% chỉ chưa đầy một tháng qua khi nhu cầu suy yếu. Hôm qua, giá xuất xưởng than cốc khô ở tỉnh Sơn Đông và thành phố Lâm Phần (tỉnh Sơn Tây) lần lượt là 4.520 – 4.620 NDT/tấn và 4.550 NDT/tấn. Giá than nhập khẩu từ Mông Cổ giảm 50 – 70 NDT/tấn trong tuần này, xuống còn 4.000 – 4.050 NDT/tấn.
Tính đến ngày 29/10, tồn kho than luyện cốc của 100 nhà máy luyện cốc tư nhân đạt khoảng 6,2 triệu tấn, giảm 0,7 triệu tấn (tương đương 10,2%) so với mức trung bình năm 2020 và giảm 19,5% so với cùng kì năm ngoái.
Vào mùa thu và mùa đông, các nỗ lực bảo vệ môi trường của Trung Quốc càng nghiêm ngặt hơn. Theo nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), một số nhà máy thép vẫn tiếp tục giảm sản lượng thép thô theo yêu cầu, kéo theo sự sụt giảm của nhu cầu than cốc và tăng lượng tồn kho. Nếu phía thị trường thép không có sự cải thiện rõ ràng thì lợi nhuận từ thép cũng bị thu hẹp lại. Như vậy, thị trường than cốc luyện kim dự kiến sẽ chịu nhiều áp lực trong tháng 11 và giá trên thị trường truyền thống có thể giảm khoảng vài đợt nữa.
Khủng hoảng năng lượng kéo giá kim loại lao dốc
Dẫu vậy, nguồn năng lượng thiếu thốn đã đẩy Trung Quốc vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đối với công nghiệp luyện kim. Các hoạt động sản xuất bị cắt giảm khiến giá các nguyên liệu thô như đồng, nhôm, nikel đồng loạt đi xuống.
Trên thị trường giao ngay Thượng Hải hôm qua, giá đồng tăng 30 NDT/tấn lên 70.780 NDT/tấn trong khi giá hợp đồng kì hạn giảm 580 NDT. Còn giá nhôm giao ngay giảm 130 NDT xuống mức 20.100 NDT/tấn, giá nhôm kì hạn tăng 45 NDT lên 20.095 NDT/tấn.
Trên Sở giao dịch kim loại London (LME), giá đồng cũng giảm khoảng 10% so với mức đỉnh hồi tháng 10, trước những rủi ro về nợ nần gia tăng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Theo MXV, triển vọng nhu cầu đang xấu đi và sự thiếu hụt nguồn cung đang khiến giá giao ngay và giá kì hạn trái chiều nhau.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington sẽ miễn thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ EU, với khối lượng tương đương trước khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan vào năm 2018.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Washington đang tham vấn với Nhật Bản và Anh về các vấn đề liên quan đến thép và nhôm, tập trung vào tác động của tình trạng dư thừa công suất của hai thị trường này. Đồng thời, muốn hạn chế tiếp cận các quốc gia bán phá giá tại thị trường của họ. Và điều này có thể tiếp tục tạo áp lực cho thị trường thép Trung Quốc.
Với thực trạng đầu vào của các nhà máy thép Trung Quốc, yếu tố tích cực là giá than cốc giảm, các lô hàng quặng sắt đường biển tăng lên sẽ giúp giá nhập khẩu giảm. Tuần này, lượng quặng sắt hàng ngày đến 5 cảng lớn nhất miền Bắc Trung Quốc ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 290,000 tấn so với tuần trước. Tuy nhiên, thị trường phôi thép diễn biến trái chiều, các giao dịch đầu cơ tăng lên. Nhiều nhà máy dùng lò điện hồ quang đã giảm giá thu mua phế liệu, với lý do thị trường thép thành phẩm đang lạnh dần.
Hôm qua, giá thép xây dựng giảm khoảng 120 - 300 NDT/tấn, giá thép cán nóng HRC giảm 120 - 360 NDT/tấn. Cùng ngày, Tập đoàn Shagang cũng công bố giá thép mới giảm khoảng 600 NDT/tấn, gồm giá thép thanh khoảng 5.500 – 5.800 NDT/tấn (đã có thuế). Với tình hình hiện nay, MXV dự đoán nhu cầu quặng sắt khó tăng mạnh trở lại khi sản xuất thép bị siết chặt, giá quặng sắt 62% nhập khẩu có thể dao động từ 100 – 115 USD/tấn. Tương tự, giá thép sẽ tiếp tục giảm thêm 50 - 100 NDT/tấn cho đến giữa tháng. Thị trường thép hiện tại sẽ tập trung hơn vào diễn biến giá than cốc.
“Miếng bánh ngọt” của giao dịch kì hạn
Thị trường giao ngay và kì hạn trái chiều nhau đã để lại những tín hiệu hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư. Theo thống kê từ Trung tâm Thanh toán Bù trừ của MXV, giá trị giao dịch các mặt hàng kim loại trên Sở London đã tăng 30% kể từ quý II. Nhà đầu tư thiên về nhận định giá sẽ giảm, nên đã mở nhiều vị thế bán hơn, kết hợp với liên tục gia tăng dòng tiền. Trước những biến động lớn của giá kim loại, Sở Giao dịch London (LME) đã nhiều lần thay đổi mức kí quỹ của các mặt hàng này nhằm nỗ lực ổn định trật tự trên thị trường nhiều bão tố của năm nay. Tuy nhiên điều này cũng không ngăn được làn sóng đầu tư kim loại trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Không chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư, sự biến động lớn của giá kim loại đang đặt ra bài toán Bảo hiểm rủi ro (Hedging) cấp thiết đối với các doanh nghiệp kinh doanh, luyện kim, xây dựng, bất động sản,…trong nước. Kim loại là đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ không thể thả nổi giá đầu vào, để biến động theo giá thế giới, bởi điều này sẽ mang đến những rủi ro khó lường trước.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp cần phải đảm bảo tính ổn định và liên tục để hỗ trợ quá trình này. Vì thế, bảo hiểm rủi ro bằng các hợp đồng tương lai (futures) và hợp đồng quyền chọn (options) sẽ trở thành nghiệp vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong nước, nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài.