Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính quý I/2018 của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,6%). Trong đó, huy động VND tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%.
Trong khi đó, tín dụng lại tăng chậm hơn cùng kỳ năm 2017. Tính đến hết quý I/2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% với cuối năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 4,3%). Tín dụng VND ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%).
Dù tín dụng tăng trưởng chậm lại nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đây là mức tăng phù hợp xét trong tương quan với điều kiện kinh tế vĩ mô.
Về kết quả kinh doanh, nối tiếp đà thành công từ năm 2017, trong quý I/2018, nhiều ngân hàng tiếp tục báo lợi nhuận tăng mạnh với những con số lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Vietcombank là một ví dụ. Sau khi báo lãi kỷ lục hơn 11 nghìn tỷ đồng trong năm 2017, ngân hàng này tiếp tục báo lợi nhuận trước thuế 4.359 tỷ đồng trong quý I/2018, tăng trưởng tới 59,3% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận.
Trong khi đó lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý qua cũng đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 33,5% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng ghi nhận kết quả khả quan khi nhiều ngân hàng báo lợi nhuận nghìn tỷ đồng như VPBank đạt 2.618 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Tương tự, Techcombank báo lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 2.568 tỷ đồng, tăng tới 94% so với cùng kỳ năm trước, hay MB đạt 1.918 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 72,5% so với quý I/2017.
Về cơ cấu thu nhập, phần lớn các nhà băng đều có thu nhập lãi thuần trong năm tăng trưởng so với năm 2016.
Dù vậy, tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động của các nhà băng lại có xu hướng giảm, thay vào đó, thu nhập từ nhóm phi tín dụng lại đi lên. Điều này cho thấy lợi nhuận của ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý, là thống kê số liệu từ BCTC quý I/2018 của 13 ngân hàng lớn và trung bình của Việt Nam lại cho thấy nợ xấu đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2018, tổng nợ xấu của 13 ngân hàng ở mức 67,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.
Về giá trị tuyệt đối, 12/13 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 3 tháng đầu năm. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng nên chỉ có 8/13 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ gia tăng.
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 3 cũng tăng 9,2% so với đầu năm, lên mức 34,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 51% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2017 ở mức 50,5%.