Thêm nhiều gương mặt mới trong cuộc đua lãi suất
Trong gần 2 tháng trở lại đây, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,5%/năm, thậm chí có ngân hàng tăng đến 1,5%. Tính tới đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng đáng kể, theo thống kê của chúng tôi, trên thị trường có khoảng 15 ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất tới trên dưới 7%/năm.
Ngân hàng ABBank đang áp dụng chương trình tặng lãi suất cho khách hàng khi tham gia mở sổ tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 1-12 tháng sẽ được tăng lãi suất lên tới 1,5%/năm. Đây là mức tăng mạnh nhất toàn ngành tính từ đầu năm đến nay. Lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng tại quầy của ngân hàng này là 5,7%/năm, sau khi được cộng thêm, lãi suất mà khách hàng được hưởng có thể lên tới 7,2%/năm.
Ngân hàng VIB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, mức tăng tùy vào kỳ hạn mà khách hàng lựa chọn. Chẳng hạn kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng tăng 0,6%/năm, các kỳ hạn 2,3,4 và 5 tháng tăng 0,5%. Đối với kỳ hạn 9 đến 11 tháng, ngân hàng này tăng mức lãi suất thêm 0,7% lên 5,7%/năm. Bên cạnh đó, khung lãi suất tiền gửi online cũng được điều chỉnh tăng tại tất cả các kỳ hạn và hiện dao động từ 4%/năm đến 6,5%/năm.
Trước đó ngân hàng Techcombank đã thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng khoảng 0,3-0,45%/năm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, nhà băng này tăng thêm 0,3% lãi suất gửi tại quầy cho kỳ hạn 36 tháng. Với khách hàng gửi tiền lần đầu tiên, ngân hàng có chính sách tặng thêm 0,5%/năm.
Khác với VIB, Techcombank không áp dụng biểu lãi suất chung cho mọi khoản tiền gửi mà phân loại tùy theo lượng tiền gửi. Khách hàng gửi kỳ hạn 12 tháng với số tiền từ 999 tỷ trở lên mới có thể được hưởng mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng đang niêm yết là 7,1%/năm.
Tiếp tục giữ vị trí quán quân, SCB đang có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường, 7,55%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Trong nhóm các ngân hàng có mức lãi suất cao trên 7% còn có NamABank (7,4%/năm), Kienlongbank (7,3%/năm, kỳ hạn 36 tháng), (7,2%/năm, từ 24 tháng), VietCapitalBank (7%/năm, kỳ hạn 24 tháng), CBBank (7%/năm, từ 13 tháng),…
Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng gia nhập cuộc đua lãi suất này, điển hình như NCB tăng thêm từ 0,3-0,5% với một số kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 6,3%, kỳ hạn 12 tháng là 6,6%, kỳ hạn 24 tháng là 6,9%. ACB, SHB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank,…cũng điều chỉnh tăng lãi suất trong biên độ 0,1-0,4%.
Các ngân hàng đồng thời tích cực trong việc huy động tiền gửi thông qua hình thức gửi online như OCB cộng thêm tới 0,6 điểm % khi gửi tiết kiệm online. Chẳng hạn, ở kỳ hạn 9 tháng, khi gửi tại quầy có lãi suất 5,8%/năm nhưng khi gửi trên OCB OMNI có lãi suất tới 6,4%/năm.
VietinBank cộng thêm lãi suất tới 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm qua VietinBank iPay.
Bản Việt cũng đang có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiết kiệm như tặng quà là áo mưa, mũ bảo hiểm trẻ em, tặng mã để quay số với cơ hội trúng thưởng cao, cộng thêm lãi suất khi gửi online...
Ngay cả 4 "ông lớn" ngân hàng cũng không nằm ngoài cuộc đua lãi suất lần này. Như "người anh cả" BIDV mới đây vừa công bố biểu lãi suất mới, đây cũng là lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái.
BIDV đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên mức lại suất cho các kỳ hạn ngắn hơn như 6-9 tháng hay 3-5 tháng lại được ngân hàng giữ nguyên biểu lãi suất cũ lần lượt là 4%/năm và 3,4%/năm.
Vietcombank công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến trên website, cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy. VietinBank trước đó cũng điều chỉnh lãi suất lên cao nhất là 5,6%/năm, Agribank là 5,5%/năm.
Dù đã điều chỉnh tăng nhưng nhìn chung, lãi suất huy động của nhóm Big4 vẫn thấp nhất trong thị trường. Lý giải về điều này, ông Trần Ngọc Báu - Founder & CEO của WiGroup cho rằng có 3 lí do: thứ nhất là do có sự dịch chuyển tăng trưởng huy động về các NHTM nhà nước do các ngân hàng hàng này gần đây đang có sự cải tiến mạnh mẽ về công nghệ, thứ hai nhóm Big4 cũng là đơn vị trung gian để NHNN thực hiện chính sách nới lỏng, kìm đà tăng của lãi suất; thứ ba, nhóm ngân hàng này có thể tiếp cận với thị trường mở (OMO) khi có nhu cầu thanh khoản vì nắm giữ khá nhiều các loại giấy tờ có giá.
Vì đâu lãi suất liên tục tăng?
Thực tế, không chỉ các nước trên thế giới như Mỹ, Anh… có lạm phát cao mà trong nước, áp lực lạm phát cũng đang lớn dần. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng tăng mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19, điều này khiến cho mặt bằng lãi suất khó có thể ở mức thấp. Các chuyên gia nhận định, xu hướng tăng lãi suất có thể còn tiếp tục trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên.
Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua vì những biến động kinh tế hậu đại dịch, bất ổn chính trị, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây lên áp lực lạm phát toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lý giải, lãi suất huy động thời gian qua liên tục tăng, do nhiều ngân hàng cần bổ sung thanh khoản thiếu hụt, khi tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tính, tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.
Ở góc độ các nhà phân tích, các chuyên gia Công ty chứng khoán VCBS cho rằng mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phục thuộc vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo có thể chịu áp lực tăng 100-150 điểm cơ bản trong cả năm 2022.