Ngành ngân hàng vừa trải qua năm 2020 thắng lợi hơn nhiều so với dự kiến, bất chấp nhiều ngành nghề khác và nền kinh tế phải chịu tổn thất đáng kể vì Covid-19. Trong hệ thống, phần lớn các nhà băng đều ghi nhận tăng trưởng không chỉ ở lợi nhuận mà cả các chỉ số kinh doanh quan trọng khác như doanh thu, tài sản, vốn huy động, tín dụng…trong khi chất lượng tín dụng được quản lý tốt hơn với tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
Riêng về lợi nhuận, năm 2020 tiếp tục ghi nhận 1 ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ USD là Vietcombank, ngoài ra còn có đến 5 ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lãi trên 10.000 tỷ đồng như VietinBank, Agribank, MB, Techcombank và VPBank. Một số ngân hàng tăng trưởng rất cao (từ 40% trở lên) như ACB, HDBank, VIB…hay thậm chí là tăng gấp hơn 2 lần năm trước như MSB.
Bước sang năm 2021, nhiều dự báo cho rằng ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn do sự tác động có độ trễ của Covid-19 trong năm vừa qua. Hơn nữa, làn sóng dịch bệnh đang quay trở lại cũng sẽ tác động không nhỏ tới các ngành nghề, qua đó ảnh hưởng đến ngân hàng. Thậm chí trên thế giới, S&P Global Ratings còn cảnh báo rằng năm 2021 sẽ là năm khó khăn nhất của các ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi những rủi ro lớn nhất đeo bám ngành bao gồm khả năng bị xếp hạng tín dụng tiêu cực hơn, những hỗ trợ từ các Chính phủ giảm xuống, sự gia tăng các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và thị trường bất động sản suy yếu.
Những khó khăn với ngân hàng trong nước có thể dễ dàng nhìn thấy đó là nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn (sau khi các ngân hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Thông tư 21) và có thể gia tăng trong năm nay khi dừng Thông tư 21, gây nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng; lợi nhuận thực tế sẽ có xu hướng giảm do dự phòng rủi ro tăng, cộng với các đợt hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp…
Song bên cạnh khó khăn chung, nhiều ngân hàng vẫn được đánh giá là sẽ có những lợi thế nhất định so với phần còn lại.
Đầu tiên có thể kể đến những nhà băng đã mạnh tay trích lập dự phòng với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2020 rất cao như Vietcombank (377%), MB, ACB (cùng ở mức khoảng 160%)…và những nhà băng có tỷ lệ này ở mức trên dưới 100% như Techcombank, TPBank, Bac A Bank, VietinBank, Nam A Bank…. Một điểm chung giữa các ngân hàng có dự phòng tốt là tỷ lệ nợ xấu cũng được kéo xuống rất thấp. Trong thời gian tới, ngay cả khi dừng thông tư 01, các nhà băng này vẫn không phải quá lo với gánh nặng nợ xấu, thậm chí lợi nhuận còn có thể được cộng thêm nhờ hoàn nhập dự phòng.
Tiếp theo, những ngân hàng có mảng số hoá phát triển mạnh cũng được cho là có lợi thế khi có thể dễ dàng triển khai các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số và có điều kiện thu hút nhiều khách hàng hơn trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với các sản phẩm và tiện ích số hoá. Hiện các ngân hàng đang "nổi" về số hoá, có nhiều bước thành công trong chuyển đổi số thời gian qua có thể gọi tên TPBank, MB, VPBank, VIB, HDBank, Viet Capital Bank, OCB, Vietcombank…
Bên cạnh đó, những nhà băng có lĩnh vực bán lẻ, bán chéo các sản phẩm dịch vụ tốt, đặc biệt là bancassurance, cũng sẽ có những lợi thế trong kinh doanh năm nay, và không thể không nhắc tới những cái tên như Vietcombank, MB, Techcombank, VIB, ACB, VietinBank, Sacombank…
Ngoài ra, những ngân hàng có nền tảng vững mạnh, quản trị rủi ro tốt, đáp ứng ở mức cao các tiêu chuẩn của NHNN và quốc tế (chẳng hạn hoàn thành sớm 3 trụ cột Basel II hay tất toán sớm toàn bộ trái phiếu VAMC) cũng sẽ có lợi thế trong phát triển chung. Khi có nền tảng ổn định, các nhà băng ấy còn gia tăng uy tín trên thị trường, qua đó hấp dẫn các nhà đầu tư hơn và có cơ hội huy động vốn đầu vào thấp hơn để triển khai nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ ra thị trường với giá cạnh tranh hơn. Những ngân hàng đang được kỳ vọng cao ở khía cạnh này có thể nhắc tới Vietcombank, HDBank, VIB, MSB, MB…