Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS Võ Trí Thành trong toạ đàm mới đây có nói, trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực khó khăn khi tăng trưởng thấp, nguy cơ lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế thế giới, việc có chương trình phục hồi và gói kích thích kinh tế là cần thiết. Cụ thể, gói hỗ trợ hiện đã được Chính phủ xây dựng cũng thống nhất đưa ra quy mô đủ lớn, đủ liều lượng cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chương trình này dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường trong thời gian tới, với số tiền trong gói hỗ trợ có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Theo TS. Thành thì gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có thể đóng góp tăng trưởng thêm khoảng 1,5 điểm %. Bởi theo tính toán, trường hợp nếu không có gói hỗ trợ thì GDP chỉ tăng 4-4,5%, nhưng nếu triển khai chương trình này ngay trong năm sau thì GDP có thể tăng từ 6-6,5%.
Theo một báo cáo của FiinFroup chia sẻ mới đây, năm 2022 sẽ có 3 vấn đề kinh tế vĩ mô sẽ cơ hội và cả thách thức ảnh hưởng lớn đến chứng khoán năm tới.
Gói hỗ trợ kinh tế: Không nên kì vọng quá nhiều.
Theo FiinGroup với những kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế hậu Covid-19 năm 2022, dòng tiền đã tìm đến những nhóm ngành được cho là sẽ hưởng lợi trực tiếp và hỗ trợ giá nhiều cổ phiếu "tăng nóng" trong thời gian qua. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, gói kích thích kinh tế, vẫn chưa có những thông tin xác nhận chính thức.
Ông Trần Toàn Thắng, trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ của chính phủ và vốn đầu tư công đang ở mức khá "khiêm tốn" dù con số công bố rất lớn. Năm 2020, chính phủ công bố 4 gói hỗ trợ với tổng giá trị ước tính lên đến 1,1 triệu tỷ nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 17%.
"Bố trí ngân sách không đủ, quy trình phức tạp khó tiếp cận và phối hợp kém giữa các bên là ba nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân," chuyên gia vĩ mô Trần Toàn Thắng chia sẻ tại hội thảo FiinTrade Talk 4.
Nếu tiến độ giải ngân và quy trình hỗ trợ không được cải thiện thì những kỳ vọng hiện nay cho gói Hỗ trợ kinh tế tiếp theo có thể là quá sớm. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng gói hỗ trợ kinh tế là thực sự cần thiết cho sự hồi phục sau Covid-19. Nếu được Chính phủ phê duyệt, Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý hai yếu tố quan trọng sẽ tác động đến việc lựa chọn cổ phiếu cho năm 2022 dựa vào việc hưởng lợi từ việc này đó là tiêu chí phân bổ cho các gói hỗ trợ là gì và đối tượng nào sẽ được ưu tiên phân bổ.
Lạm phát tiềm ẩn nhiều cơ hội cho năm 2022
Thống kê cho thấy trong nước chưa có áp lực lớn về lạm phát bởi cầu tiêu dùng chưa hồi phục. Tuy nhiên, lạm phát đang là nỗi lo lắng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây vì Việt Nam hiện nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nên lạm phát có thể có độ trễ nhất định, dự kiến sẽ tăng lên từ quý 2 hoặc quý 3/2022.
Thế nhưng, không phải nhà đầu tư nào cũng biết rằng lạm phát đem tới không ít cơ hội, vậy "Kiếm tiền thời lạm phát" như thế nào? Chuyên gia Đào Phúc Tường từ FiinGroup cho rằng nhà đầu tư nên tập trung tìm kiếm cơ hội đầu tư với cổ phiếu thuộc các nhóm ngành "tạo ra" lạm phát hoặc ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát!
Theo kịch bản cơ sở của FiinGroup, nếu kinh tế thế giới phục hồi tốt, các nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh, không phát sinh các ổ dịch trong nước, các giải pháp kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai tốt GDP năm 2022 của nước ta sẽ đạt khoảng 5,8%. Kịch bản thấp là dịch bệnh khó đoán, nhiều biến chủng mới, các đối tác thương mại lớn không phục hồi như kỳ vọng, trong nước sản xuất kinh doanh gặp khó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có độ trễ thì tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ vào khoảng 4,5%.
Trong một kịch bản cao được đưa ra, FiinGroup cho rằng nếu dịch bệnh được khống chế, chuỗi cung ứng phục hồi nhanh, chi phí logistcic giảm mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cao thì GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7%.
Chỉ số CPI được dự đoán dao động ở mức 3-4% trong năm 2022.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022
Ngành "dẫn đường" năm 2022
Công nghệ thông tin sẽ là nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng cực kỳ lớn trong tương lai. Chuyên gia vĩ mô Trần Toàn Thắng cho biết: "Ngành công nghệ thông tin kỳ vọng sẽ hồi phục với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ".
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành khác sẽ dẫn dắt tăng trưởng 2022 được ông Thắng đề cập tới có thể kể tới như: Xây dựng, Vật liệu, Điện tử, Dệt may, Thủy sản, Gỗ, Cao su, Bán lẻ, Hàng không.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ của nhà đầu tư, ông Đào Phúc Tường - cựu Phó Giám đốc tham gia quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu tại Vietnam Holding Asset Management nhấn mạnh khi tìm kiếm cơ hội đầu tư với cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này, nhà đầu tư nên xem xét chỉ số giá của ngành hay một cổ phiếu cụ thể đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng như thế nào. Lý do là trong giai đoạn tiền rẻ, giá nhiều cổ phiếu đã chạy trước khá xa so với những thay đổi về yếu tố cơ bản.
Báo cáo của Fiin Group những nhóm ngành được đánh giá là "dẫn đường" cho năm 2022 đó:
Một, nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công. Đầu tư công đóng vai trò trọng tâm, đồng thời là vốn mồi, kích thích đầu tư tư nhân phát triển. Đầu tư công được dự kiến sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số. Nhu cầu về vật liệu xây dựng cơ bản, nhóm ngành vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển trong năm 2022
Hai, nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Cùng với sự phục hồi nhu cầu thế giới, đặc biệt là do sự giảm cung từ Trung Quốc, kích thích xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép
Ba, nhóm ngành được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước. Doanh nghiệp ngành thực phẩm & đồ uống, bán lẻ và hàng không sẽ là nhóm hưởng lợi chính do sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước, sau thời gian giãn cách và chính sách hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh.
Bốn, nhóm ngành thương mại điện tử và logistics. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh đại dịch cũng thay đổi mạnh mẽ, là lực đẩy khiến thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong năm 2022.
Kỳ vọng tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam do tác động tích cực của các FTA đã ký kết, cùng với sản xuất phục hồi, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước tăng theo, kéo theo các ngành phụ trợ như logistics cũng hưởng lợi.
Năm, nhóm ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ hồi phục với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ. Tiềm năng lớn của kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, đang tăng cả về tốc độ lẫn quy mô.