Trung Quốc đang nuôi tham vọng thống lĩnh trong lĩnh vực nghiên cứu gien và nhân bản vô tính. Các nhà khoa học nước này sẵn sàng dấn thân vào những nghiên cứu nhạy cảm mà nhiều đồng nghiệp có thể chùn bước vì các vấn đề đạo đức.
"Công việc khủng khiếp"
Các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc là những người đầu tiên thực hiện chỉnh sửa gien trên phôi thai người năm 2015. Một báo cáo công bố trên tờ Nature của Anh cho thấy kết quả không mấy khả quan.
Tới đầu năm nay, giới khoa học Trung Quốc tiếp tục đưa ra tiết lộ khiến nhiều đồng nghiệp trên thế giới nghi ngại khi nói rằng đã nhân bản thành công 2 con khỉ Zhong Zhong và Hua Hua bằng cách sử dụng kỹ thuật nhân bản cừu Dolly của 2 thập kỷ trước. Đây là 2 linh trưởng đầu tiên trên thế giới được sinh sản vô tính nhờ một quá trình gọi là chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT).
Các tác giả của công trình này đã viện lý do cao cả - muốn tạo ra các mẫu động vật hữu ích cho y học và sức khỏe con người - nhằm lý giải sự phá vỡ rào cản để nhân bản vô tính các loài linh trưởng, trong đó có cả con người. Đồng thời, họ khẳng định không có ý định áp dụng phương pháp này vào con người.
Bác sĩ người Ý Sergio Canavero là chuyên gia phẫu thuật thần kinh nổi tiếng Ảnh: EPA
Thế nhưng, tất cả những lý lẽ trên vẫn không đủ xua tan những lo ngại của cộng đồng khoa học quốc tế về khả năng đây có thể là bàn đạp tiến đến việc tạo ra con người bằng phương pháp sinh sản vô tính. GS Darren Griffin của ĐH Kent (Anh) lo ngại: "Cần suy nghĩ kỹ về yếu tố đạo đức của các thí nghiệm như vậy".
Trong khi đó, GS Robin Lovell tại Viện Francis Crick (London - Anh) cho rằng kỹ thuật dùng để nhân bản cặp khỉ Zhong Zhong và Hua Hua của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc là "không hiệu quả và nguy hiểm". "Công trình nghiên cứu này không phải là một bước tiến để thiết lập các phương pháp nhân bản vô tính con người" - ông Lovell nhận xét.
Mặt khác, nhiều nhà bảo vệ động vật đã lên án kế hoạch nhân bản vô tính loài vật để thử nghiệm thuốc là một "công việc khủng khiếp". Họ cho rằng nhân bản là quá trình tốn thời gian, tiền bạc và sinh mạng bởi tỉ lệ thất bại rất cao.
Muốn giành giải Nobel?
Cũng "gây bão" dữ dội trong cộng đồng khoa học lẫn truyền thông quốc tế là tuyên bố thực hiện phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trên tử thi thành công tại một bệnh viện ở Trung Quốc vào cuối năm 2017. Tác giả cuộc phẫu thuật là bác sĩ người Ý Sergio Canavero cùng một đồng nghiệp Trung Quốc tên Xiaoping Ren.
Theo giải thích của bác sĩ người Ý có biệt danh "bác sĩ Frankenstein", ca phẫu thuật được tiến hành tại Trung Quốc bởi "Bắc Kinh muốn giành giải Nobel trong lĩnh vực này". Bác sĩ Canavero còn cho biết cộng đồng y tế ở Mỹ và châu Âu không cho phép tiến hành ca phẫu thuật và chủ đề này vẫn đang gây tranh cãi gay gắt nên ông và đồng nghiệp thực hiện phẫu thuật tại Trung Quốc.
Vị bác sĩ từ lâu đã nuôi mộng tìm kiếm sự bất tử cho con người này tiết lộ đồng nghiệp Trung Quốc của ông đã phẫu thuật cấy ghép đầu khỉ thành công hồi tháng 1-2016. Chú khỉ này vẫn sống, không bị chấn thương trong suốt 20 giờ sau đó, trước khi bị tiêm thuốc kết liễu vì lý do liên quan đến đạo đức.
Cộng đồng y khoa thế giới lúc đó đã phẫn nộ cao độ với công bố ghép đầu người trên tử thi. Song, họ cho rằng đây có thể lại là một lần thổi phồng thông tin nữa của vị bác sĩ người Ý - kẻ từng đưa ra nhiều công bố khó tin trong quá khứ.
Tuy nhiên, theo trang CNBC, một cuộc kiểm tra của nhóm các nhà khoa học độc lập tiến hành giữa năm 2018 cho thấy dù phẫu thuật ghép đầu người nghe có vẻ viển vông nhưng các bước tiến về y tế và khoa học cần thiết đang tiệm cận nhanh chóng việc thực hiện được chuyện này. Tất nhiên, những rào cản đạo đức rất lớn vẫn còn.
"Tôi sẽ không cho bất kỳ ai làm điều đó. Với tôi, phương pháp này còn tệ hơn cả cái chết?" - TS Hunt Batjer, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mỹ, bày tỏ.
Theo ngân hàng đầu tư quốc tế UBS của Thụy Sĩ, Trung Quốc là thị trường công nghệ gien lớn thứ hai thế giới. Hãng tư vấn tài chính CCID Consulting tại Bắc Kinh ước tính giá trị của thị trường này sẽ tăng gần 3 lần, từ 1 tỉ USD năm 2017 lên tới 2,6 tỉ USD vào năm 2022.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định những quy định lỏng lẻo đang "bật đèn xanh" cho các nhà khoa học Trung Quốc "thả phanh" nghiên cứu để thực hiện tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực y sinh. Ngoài sự hỗ trợ của chính phủ, những nhân tố như dân số đông cũng tạo ra lượng bệnh nhân tiềm năng lớn.
"Trong nhiều ngành, lập trường quản lý là nếu luật không cấm thì mọi người có thể thử nghiệm một cách cẩn trọng. Lĩnh vực điều chỉnh gien lúc này đang là một vùng tranh tối tranh sáng (ở Trung Quốc)" - ông Michael Donovan, nhà sáng lập công ty công nghệ sinh học Veraptus tại Trung Quốc, nhận xét.
Do luật nhẹ tay
Tại Trung Quốc, nhiều người cho rằng việc cập nhật các điều luật quản lý nghiên cứu di truyền đã trì trệ quá lâu. Theo Thời báo Hoàn Cầu, cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, ông Vương Di Phương, đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một cơ quan trung ương để giám sát các thí nghiệm sinh học. Theo ông, những quy định của Trung Quốc đưa ra từ năm 2003 đối với các thí nghiệm liên quan tới phôi nay đã lỗi thời.
Tại hội thảo về điều chỉnh bộ gien ở Hồng Kông hồi tuần rồi, ông Khâu Nhân Tông, cựu phó chủ tịch Ủy ban Đạo đức - Bộ Y tế Trung Quốc, thừa nhận do buông lỏng các quy định pháp luật nên các nhà khoa học nước này thường không đối mặt sự trừng phạt bởi họ chỉ phải chịu sự quản lý sơ sài của cơ quan chủ quản. "Người ta gọi bộ y tế là cơ quan không có nanh, không biết cắn. Thế nên, chúng tôi đang tìm cách thêm nanh cho lãnh đạo bộ để họ có thể trừng trị kẻ vi phạm" - ông Tông nhấn mạnh.
Vị học giả gạo cội của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc này còn vạch rõ: "Chính quyền Trung Quốc rất bảo bọc các nhà khoa học. Nếu họ mắc phải sai lầm nhỏ thì sẽ dễ dàng được bỏ qua, không bị trừng phạt. Tôi cho rằng những người vi phạm cần bị trừng trị thích đáng".