Nông dân thời đại mới
Trong số những nông dân gửi hồ sơ về tham dự cuộc thi Làm nông thời 4.0 có nhiều người không đi học, hoặc chỉ học hết lớp 6 lớp 7, nhưng họ vẫn làm nên những loại máy móc mà nhiều kỹ sư, nhà khoa học mất công mày mò, nghiên cứu nhiều năm mới thành. Câu hỏi đặt ra: Tại sao họ lại làm được?
Bằng giải pháp “Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá Ông Tiên”, anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (áo trắng) thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Đáng
Dù mới đi được nửa chặng đường, nhưng từ chính những sự quan tâm và hưởng ứng trên, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng: Đó là khuyến khích và vinh danh những nông dân thay đổi tư duy nhận thức, mạnh dạn hòa mình vào dòng chảy đầy biến động của nông nghiệp thời đại mới, thời đại 4.0. |
Theo cách lý giải của nông dân sáng chế Phạm Văn Hát (Tứ Kỳ, Hải Dương) thì bởi: “Chúng tôi chính là người trực tiếp tham gia sản xuất nên biết mình thiếu gì, cần phải làm gì. Có thể chúng tôi không thể tạo nên những máy móc tinh vi, hiện đại, nhưng chúng tôi làm được những chiếc máy thiết yếu nhất, tốn ít chi phí nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Và quan trọng hơn, chúng tôi có ý thức thay đổi cách sản xuất của mình”.
Hoặc có những nông dân họ không sáng chế, nhưng lại biết cách áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ để rút ngắn quy trình sản xuất, mang lại năng suất và lợi nhuận cao hơn. Như anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) thu về hàng tỷ đồng từ cá thần tiên (thường gọi cá Ông Tiên). Đáng nói, không chỉ nuôi đơn thuần, bằng giải pháp “Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá Ông Tiên”, anh Sơn có thể bắt cá thần tiên khó tính này đẻ theo ý thích.
Ngoài ra, anh Sơn còn dùng công nghệ blockchain để tra cứu, truy xuất dữ liệu nguồn trong quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp anh chọn giống bố mẹ không đồng huyết, an toàn dịch bệnh, tạo ra con giống dễ nuôi, mau lớn…
Hay chỉ cần một thay đổi rất nhỏ nhưng kết quả mang lại cực lớn, đó là sáng kiến thay từ bể nuôi tôm hình vuông sang bể xi măng hình tròn của anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
So với các bể nuôi hình vuông, nuôi ngoài ao tự nhiên, bể nuôi hình tròn có nhiều ưu điểm như: Mô hình này đang giúp cho người nuôi tôm có thể chủ động được thời gian xuất bán, hạn chế được dịch bệnh, tôm nhanh lớn, năng suất đạt cao, thu gom các chất thải nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm, thời gian sử dụng khá lâu có thể lên đến hàng chục năm. Bên cạnh đó, mô hình còn sử dụng điện thoại di động để điều khiển từ xa trong các bể nuôi. Với 23 bể tròn nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất đạt 500 tấn/năm, mang lại doanh thu từ 50 - 60 tỷ đồng/năm cho gia đình anh Vinh, trừ chi phí lợi nhuận 30 - 50%.
Hướng đi đúng
Kể từ khi cuộc thi được chính thức phát động (đầu 2/2020), Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bộ, ngành cho tới địa phương, đặc biệt các doanh nghiệp và nông dân - những người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng thành quả sáng tạo.
Thông qua kênh chính thức là Hội Nông dân các cấp, nhiều ứng viên sáng giá đã được “định danh”, nhiều gương mặt tiêu biểu được lựa chọn. Có những địa phương các cấp Hội phải đắn đo lựa chọn vì ai cũng xứng đáng, ai cũng có những sáng chế, sáng tạo vô cùng độc đáo, áp dụng thành công trong thực tiễn. Đơn cử như tỉnh Nghệ An, dù kế hoạch đề xuất 2-3 nông dân có thành tích đặc biệt trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhưng Hội Nông dân tỉnh đã gọi điện đề xuất 5 trường hợp với lý do “ai cũng đều xuất sắc”.
Rồi có những doanh nghiệp biết đến cuộc thi, đích thân Giám đốc đã chủ động gọi điện tìm hiểu về thể lệ và yêu cầu được hướng dẫn hồ sơ chi tiết. Đó là anh Phan Xuân Diện- Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát - đơn vị chuyên cung cấp các loại trà thảo mộc chất lượng cao, được trồng và chế biến trực tiếp tại địa phương.