Trước khi Covid-19 được công bố là đại dịch, các nhà quản lý tài sản và giám đốc các ngân hàng tư nhân đã lên các phương án phòng bị cho trường hơp khủng hoảng. Nhiều thị trường tại châu Á bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, giới nhà giàu tại châu Âu muốn họ phải ở trong tâm thế sẵn sàng trước khi cơn bão ập tới.
“Tại đây, ở London, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi vẫn ra ngoài dùng bữa trong các nhà hàng”, theo Georgios Ercan, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Dolfin, một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại thủ đô nước Anh.
“Và khủng hoảng ập đến: khối lượng giao dịch thương mại tăng kịch trần và các tư vấn viên mau chóng liên lạc để trấn an các khách hàng của mình, ngay cả khi họ phải làm việc tại nhà. “Chúng tôi gần như gọi điện cho khách hàng 12 tiếng mỗi ngày”, Rebecca Hughes, Giám đốc điều hành Coutts, một ngân hàng tư nhân tại Anh.
Sự chăm chỉ cuối cùng cũng mang về những trái ngọt. Trong suốt 3 tháng đầu tiên của năm 2020, chỉ có các nhà quản lý tài sản mới kiếm được lợi nhuận, trong khi cả thị trường lao dốc, theo một báo cáo từ Fincap, một công ty dịch vụ tài chính tại Anh. Bản báo cáo này có nhắc đến một vài cái tên như những ví dụ điển hình: Schroders, Hargreves Lansdown và Tatton Asset Management.
“Các danh mục đầu tư của chúng tôi không có cổ phiếu nào xuống thấp như chỉ số FTSE 100”, Hughes chia sẻ về tình hình hoạt động của Coutts.
Văn phòng làm việc tại Anh vào tháng 3 vắng bóng người khi nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà. Ảnh: Bloomberg
|
Tài sản của một vài khách hàng đã thiết lập nên những kỷ lục mới. Forbes cho biết 600 tỷ phú đã gia tăng khối tài sản của mình thêm 400 tỷ USD trong suốt cuộc khủng hoảng dịch bệnh vừa qua, khi mà thị trường đột ngột lao dốc và sau đó đảo chiều tăng trở lại.
Ngoài cổ phiếu, lượng tiền mặt mà họ sở hữu cũng tăng lên đáng kể: Chúng tôi biết được rằng giới nhà giàu trong 2 tháng vừa qua đã cố gắng tích trữ tiền. Tại Anh, 20% những người giàu nhất quốc gia này đã cắt giảm chi tiêu tới 23 tỷ bảng (tương đương 29,3 tỷ USD) trong suốt thời gian cách ly xã hội, theo New Policy Institute, một cơ quan tư vấn.
Trên một nửa các khoản cắt giảm đến từ các chuyến đi và kỳ nghỉ (nhu cầu đi lại bằng máy bay riêng giảm tới 68% trong tháng 4 và 5, theo WingX). Nhiều khoản tiết kiệm khác đến từ các hoạt động ăn uống tại nhà hàng, mua sắm. Số tiền đổ vào các loại hàng hóa xa xỉ xuống thấp gần như bằng 0.
Một số doanh nhân giàu có tiết kiệm được hàng triệu USD cho dù doanh nghiệp của họ được hưởng lợi không nhỏ từ những biện pháp trợ giúp từ chính phủ.
Các nhà quả lý tài sản đã được trao thưởng hậu hĩnh cho kết quả khả quan mà họ mang lại. Lợi nhuận tại UBS, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, tăng 40% trong 3 tháng đầu tiên của năm 2020. Ngân hàng Credit Suisse công bố mức lợi nhuận quý I tăng tới 75%. Còn Coutts có thêm 424 triệu bảng (tương đương 542 triệu USD) đổ vào các sản phẩm đầu tư của công ty.
Những đặc quyền mà những khách hàng giàu có ưa thích cũng đang đang dần quay trở lại. Trước đại dịch, những quyền lợi này bao gồm vé đến các buổi trình diễn nghệ thuật hay các sự kiện thể thao. Coutts đang tổ chức một loạt các bữa tiệc rượu trực tuyến. “Các khách hàng chỉ thích làm những điều gì đó khác biệt”, theo Hughes.
Giới nhà giàu đầu tư sau đại dịch ra sao?
Câu hỏi này là điều mà chắc chắn giới nhà giàu, và các nhà quản lý phải tính tới sau khi những khoản tiền lớn được tiết kiệm trong suốt thời gian qua.
“Tôi họp trực tuyến hầu như cả ngày, từ 8 giờ sáng tới 10 giờ tối”, theo Ercan. “Khách hàng đang cảm thấy rất buồn chán, do đó, họ đang cố gắng để đọc vị các thị trường và nảy ra các ý tưởng kinh doanh mới”.
Điều này đặc biệt chính xác đối với các khách hàng mới hoặc những người vừa mới tạo ra được một chút lợi nhuận vì điều họ muốn chính là sự tái đảm bảo, theo Annabel Bosman, Trưởng khối quan hệ đầu tư tại RBC Wealth Management. Một vài khách hàng lại kỳ vọng họ có thể bù đắp được những thiệt hại trong 2 tháng vừa qua.
Đừng quá nóng vội, các chuyên gia tư vấn cho biết. “Họ cần phải tuân thủ các hướng đi đã đề ra và phải thực hiện đúng theo kế hoạch”, theo Hughes. Đầu tư dài hạn và theo lộ trình, đó là lời nhắn nhủ tôi muốn đưa ra, nhất là khi “cơn bão” vẫn chưa đi qua.
Khách hàng mua sắm tại Galeries Lafayette ở Paris khi Pháp nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Ảnh: AFP/Getty Images |
|
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu như giới nhà giàu không tái khởi động lại thói quen chi tiêu của họ? “Nếu như những khoản tiền tiết kiệm không được sử dụng vào các hoạt động sinh lời, họ chắc chắn sẽ vấp phải những thiệt hại do tình hình lạm phát giá tài sản đang diễn biến phức tạp”, theo New Policy Institute, trích một văn bản được soạn thảo bởi Dan Corry, cựu cố vấn kinh tế của Thủ tướng Anh.
Điều đáng lo ngại ở đây là sau đại dịch, chúng ta sẽ phải đối diện với một xã hội bất công bằng, khi mà những người giàu thì tiếp tục giàu lên, còn những người khác thì vẫn không có gì thay đổi, hoặc kém may mắn hơn là thu nhập bị giảm sút do dịch bệnh.
Các cuộc bàn luận về chủ đề thuế tài sản đang tăng dần lên nhằm mục tiêu đối phó với thực trạng này, đồng thời cũng là nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí chính phủ đã bỏ ra để đối phó với các hệ quả từ dịch bệnh.
“Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng, ở một giai đoạn nào đó, các loại thuế cần được nâng lên. Gánh nặng này nên được đặt lên vai những người có thu nhập cao”, theo New Policy Institute. Những loại thuế như vậy có thể sẽ khiến các nhà quản lý tài sản phải đau đầu.