Theo báo cáo của Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đóng góp cho sự đảo chiều này là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng trưởng 8,61%, cao hơn 0,21 điểm % so với quý 2 tăng. Trong khi đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ trong quý 3 đều giảm tốc.
Khi phân tích lĩnh vực công nghiệp và cây dựng, phía SSI chú ý sự cải thiện của ngành xây dựng với mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm là 9,2%
Trong khi đó công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có tỷ trọng giá trị lớn nhất trong GDP đi ngang với tăng trưởng 12,1%, khai khoáng giảm 3,3% (quý 2 giảm -3,1%).
Nguyên nhân ngành xây dựng cải thiện có thể xuất phát từ sự cải thiện trong giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là giải ngân đầu tư công.
Quý 3/2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507 nghìn tỷ, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất 4 quý, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt mức tăng ấn tượng 14,9%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của 2 quý trước đó.
Vốn đầu tư tư nhân, nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất (42,5%), cải thiện nhẹ và vươn lên mức cao nhất nhiều năm, là 18,8%. Sự bù đắp của 2 nguồn vốn này thay cho FDI là minh chứng cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung hơn vào nội lực.
Tăng tốc giải ngân vốn ngân sách cũng là một dấu hiệu tích cực bởi nguồn lực tài khóa đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng khi dư địa tiền tệ hẹp lại. Mặt khác, điều này cho thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân đầu tư công đang có tiến triển tốt.
Sự cải thiện của ngành xây dựng là có cơ sở nhất định nhưng phía SSI cho biết họ cảm thấy băn khoăn do một số số liệu khác của ngành.
Thứ nhất, khảo sát hoạt động của 5300 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh của quý 3 khó khăn hơn quý 2 là 39,5%, tăng nhẹ so với quý 2 so với quý 1 là 38,6%.
Thứ hai, đó là tăng trưởng sản lượng của xi măng, sắt thép trong các tháng quý 3 không có nhiều thay đổi. Sản lượng xi măng 9 tháng tăng 9,5% trong khi 6 tháng tăng cao hơn,10.6%. Tương tự sản lượng sắt thép thô 9 tháng tăng 36,6% thấp hơn 6 tháng là 43,7%.
Công nghiệp Chế biến chế tạo duy trì tăng trưởng ổn định một phần nhờ … may mắn
Theo SSI, mặc dù đóng góp của ngành xây dựng là đáng ghi nhận, ngành công nghiệp chế biến chế tạo mới thực sự là bệ đỡ để có được sự cải thiện trong quý 3.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (18,8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung.
Trong quý 1/2017 và quý 2/2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cùng gặp một khó khăn, đó là sự giảm sút của công nghiệp điện tử mà nguyên nhân chính là sản lượng điện thoại của Samsung.
Với giá trị sản xuất rất lớn, chiếm tới 20% GDP, điện thoại và công nghiệp điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt nam. Sau sự cố Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016, thành công của Galaxy S8 và Note 8 đã mang lại kết quả rất tích cực cho nửa cuối năm 2017.
Tuy vậy ngay cả khi Galaxy S9 đã ra đời, sản xuất điện thoại trong năm 2018 vẫn giảm sút do Samsung thay đổi kế hoạch sản xuất. Đây là một thay đổi tương đối bất ngờ và tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế Việt nam nếu không có được những động lực tăng trưởng mới.
Ở tình thế khó khăn đó, chính sách đúng đắn và cả may mắn đã giúp tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 3 không sụt giảm mạnh theo đà sụt giảm của điện thoại như đã xảy ra trong quý 2.
Về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất ô tô và dược phẩm đã phát huy tác dụng.
Cụ thể, ngành sản xuất xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã vươn lên 16,3%, cao nhất 21 tháng. Tương tự, dược đạt 25,9%, cao nhất nhiều năm.
Về cơ may, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và việc Trung Quốc giảm sản lượng các ngành công nghiệp ô nhiễm (thép) hay nhân công giá rẻ (dệt may) đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt nam. Xuất khẩu dệt may 9 tháng tăng tới 17,1%, cao nhất kể từ năm 2015 còn sắt thép là +51.5%, duy trì phong độ cao có được từ năm 2017.
Một may mắn khác phải kể đến là việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Mặc dù nhập khẩu nguyên liệu và không xuất khẩu, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn có đóng góp kịp thời và đáng kể cho ngành công nghiệp nói chung khi tạo ra tăng trưởng tới 53,1% cho ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế…