Trao đổi trong talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng sẽ có nhiều ngành phục hồi tốt, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc-xin, hiệu của các biện pháp chống dịch hậu giãn cách, các gói hỗ trợ và việc thúc đẩy đầu tư công.
Theo ý kiến của ông Hiển, có một số điểm nhà đầu tư có thể kỳ vọng trong quý 4/2021.
Thứ nhất là các giải pháp liên quan tới vắc-xin. Việc chúng ta sẽ tiếp nhận một lượng lớn vắc-xin trong quý 4 sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc nới dần các hoạt động kinh tế.
Các giải pháp thứ hai liên quan tới các hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, kế hoạch tổng đầu tư công năm 2021 tương đương với năm 2022. Tuy nhiên đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân mới đạt 40,6% kế hoạch đề ra. Trong khi đó so với cùng kỳ chúng ta đã đạt 46,4%.
Tại sao các giải pháp liên quan tới đầu tư công là quan trọng? Năm ngoái, giải ngân đầu tư công của chúng ta đạt khoảng trên 90% kế hoạch, điều này đóng vai trò rất quan trọng cho sự tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính vì vậy nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư công trong quý 4, cố gắng đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm nay trên 90% sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả năm 2021.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ thuế trị giá khoảng 21.300 tỷ bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập đối với các hộ kinh doanh…
Ngoài ra có những giải pháp liên quan tới tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 14 ngày 7/9 hỗ trợ doanh nghiệp giãn nợ, cơ cấu nợ.
Đối với ngành hàng không và du lịch, đã có một số giải pháp tại các khu vực như Quảng Ninh được Chính phủ cho phép thí điểm hộ chiếu vắc-xin, hay việc thí điểm cho phép đón khách tới Phú Quốc và dự kiến triển khai từ tháng mười. Đó là những giải pháp mà chúng tôi hy vọng trong quý 4 cũng sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế.
Đại diện SHS cho rằng trong quý 4 có một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm. Thứ nhất, các nhóm ngành liên quan trực tiếp tới đầu tư công: Đó là những doanh nghiệp xây lắp hạ tầng, nhóm ngành liên quan tới vật liệu xây dựng, ví dụ như đá, sắt, thép, nhựa đường, xi măng và xa hơn nữa là một số các doanh nghiệp ngành bất động sản có thể được hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công này.
Thứ hai là nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp. Mặc dù tháng 7, tháng 8, Việt Nam chịu tác động khá mạnh của đại dịch. Tuy nhiên, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam trong dài hạn, vì vậy họ vẫn tiếp tục rót vốn.
Nhóm ngành liên quan tới bán lẻ và hàng tiêu dùng sau một thời gian bị ảnh hưởng sẽ có sự bứt phá. Đặc biệt là các ngành liên quan tới hàng hóa xa xỉ, hàng hóa lâu bền, ví dụ như xe máy, ô tô, điện tử, vàng bạc nữ trang.
Tiếp đến là ngành chứng khoán vẫn được dự báo sẽ có sự tăng trưởng tích cực vào trong quý 4. Các doanh nghiệp chứng khoán vừa qua đồng loạt tăng vốn, giúp cho các công ty có thêm nguồn vốn hỗ trợ cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho nhà đầu tư. Cùng với thanh khoản thị trường dự báo có sự gia tăng cũng đem lại nguồn lợi cho các doanh nghiệp trong khối này.
Nhóm ngành cuối cùng là nhóm ngành ngân hàng, khi các doanh nghiệp là các khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giúp giảm áp lực dự phòng rủi ro. Đồng thời nhiều cổ phiếu của các ngân hàng trong thời gian qua đã giảm tương đối, do đó ngành ngân hàng sẽ được quan tâm trở lại trong quý 4.