Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc VietJet Air
Sinh năm 1970, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bà cũng là người sáng lập hãng hàng không chi phí thấp Vietjet vào năm 2011 và đã từng bước xây dựng Vietjet dần lớn mạnh, trở thành hãng hàng không nổi tiếng trong khu vực. Chính Vietjet đã tạo nên một cú hích kích cầu cho nhu cầu đi lại bằng hàng không tại Việt Nam, vốn trước đây được coi là chỉ dành cho người giàu. Vietjet hiện có đường bay đến hầu khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực châu Á.
Không chỉ là thuyền trưởng hãng hàng không Vietjet Air (HoSE: VJC), bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn giữ vị trí chủ chốt tại các ngân hàng và doanh nghiệp trong hệ sinh thái Sovico Group. Hiện bà là Phó chủ tịch thường trực ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sovico (Sovico).
Cá nhân bà Phương Thảo hiện đang sở hữu 47,4 triệu cổ phiếu VJC. Ngoài ra, công ty TNHH đầu tư Hướng Dương Sunny (công ty riêng của bà Thảo) hiện đang là cổ đông lớn của Vietjet Air với khối lượng nắm giữ gần 155 triệu đơn vị. Như vậy, hiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu tổng cộng hơn 202,5 triệu cổ phiếu VJC.
Theo số liệu của Forbes, tại ngày 7/3, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air đã ở mức 3,1 tỷ USD, đưa bà Thảo trở thành người giàu thứ 984 thế giới.
Bà Phạm Thu Hương. Ảnh VIC
Bà Phạm Thu Hương- Phó chủ tịch HĐQT Vingroup
Sinh năm 1969, bà Phạm Thu Hương là vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (MCK: VIC). Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup – tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, và giữ vai trò là Phó chủ tịch HĐQT. Hiện doanh nhân này đang sở hữu hơn 169 triệu cổ phiếu VIC với trị giá hơn 8.939 tỷ đồng.
Năm 2020, bà Phạm Thu Hương cùng chồng là tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thành lập Quỹ và Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture với sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học công nghệ mang tính đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc CTCP Sữa Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên được ví như "linh hồn" của Vinamilk, với 3 thập kỷ đảm trách vai trò Tổng giám đốc, góp phần rất lớn vào sự phát triển của Vinamilk. Hiện tại, bà là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk.
Bà được mệnh danh là "người đàn bà thép", cũng là nữ doanh nhân liên tục được xếp hạng trên tạp chí Forbes. Năm 2019, bà là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Dưới sự điều hành của bà, Vinamilk là "bá chủ" trong ngành sữa tại Việt Nam và luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp có lợi nhuận cao trên thị trường chứng khoán. Riêng năm 2022, công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 8.578 tỷ đồng.
Về phần mình, bà Mai Kiều Liên sở hữu hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNM. Tính tại ngày 7/3/2023, khối tài sản của bà có giá trị hơn 480 tỷ đồng.
Bà Thái Hương – Phó Chủ tịch Ngân hàng Bắc Á
Sinh năm 1958 tại Nghệ An, bà Thái Hương là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - Mã: BAB).
Trong suốt hơn 20 năm đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc kiêm chức Phó Chủ tịch, bà đã đưa Bắc Á Bank trở thành một ngân hàng uy tín tại Việt Nam. Năm 2022, quy mô tổng tài sản BacABank đạt 128.827 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 860 tỷ đồng.
Dù khá kín tiếng, song bà Thái Hương từng lọt vào top 50 người phụ nữ "Quyền lực nhất châu Á" do Forbes bình chọn. Ngoài việc là lãnh đạo của BacABank, bà Hương còn ghi dấu ấn khi giữ vai trò là nữ tướng CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk). Tại Việt Nam, TH là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch và là thương hiệu yêu thích của người tiêu dùng Việt.
Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch HĐQT của SeABank
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà từng học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Bà Nga hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã SSB). Trước đó, bà từng có 10 năm giữ chức Chủ tịch tại ngân hàng này. Hiện bà Nga đang trực tiếp nắm giữ 72,1 triệu cổ phiếu SSB và là đại diện nắm giữ tổng cộng 187 triệu cổ phiếu SSB cho 3 pháp nhân khác.
Bà Nga còn là nhà sáng lập BRG Group, một trong những tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Tập đoàn BRG đã sở hữu nhiều dự án bất động sản đồ sộ như Sân golf quốc tế Đảo Vua, Khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn, Khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort)... Bà Nguyễn Thị Nga cũng từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT VHC
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961, là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC). Vĩnh Hoàn, nên biết là nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam.
Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ vỏn vẹn 70 triệu đồng cùng 70 nhân công, nhưng đến thời điểm hiện tại, VHC dưới sự điều hành của bà Trương Thị Lệ Khanh, đã gia nhập vào câu lạc bộ những doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ trên sàn chứng khoán. Trong năm 2022, doanh thu công ty đạt 13.239 tỷ đồng – tăng 46% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 90%. Doanh thu và lợi nhuận năm 2022 đều vươn lên đỉnh mới trong lịch sử của Vĩnh Hoàn với EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) đạt gần 11.000 đồng.
Theo thống kê, bà Khanh hiện đang nắm hơn 79,1 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tổng giá trị 4.464 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT REE
Sinh năm 1952, doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh REE. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà Mai Thanh gia nhập REE với vị trí kỹ sư, sau đó bà đã trở thành lãnh đạo công ty từ năm 1985.
Bà đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc REE khi mới 30 tuổi. Khi đó đây chỉ là doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh. Một trong những bước ngoặt của REE dưới sự điều hành của bà Thanh là quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản với Tòa nhà văn phòng E-town 1 (quận Tân Bình, TP.HCM).
Tiếp nối thành công của E-town 1, bà Thanh tiếp tục đầu tư xây dựng E-town 2, 3, 4 (hoàn tất vào cuối năm 2006 và 2008) với 90% diện tích đã có khách thuê. Qua nhiều thăng trầm, REE hiện tại đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành cơ điện lạnh với vốn điều lệ hơn 3.500 tỷ đồng. Công ty này cũng thu được nhiều kết quả kinh doanh tích cực trong năm vừa qua với doanh thu thuần đạt 9.372 tỷ đồng – tăng 61% so với cùng kỳ; LNST đạt 3.513 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2021 và vượt 70% chỉ tiêu cả năm đã đề ra.
Nữ tướng REE hiện đang nắm hơn 43,3 triệu cổ phiếu REE, tương đương thị giá 2.940 tỷ đồng.