Không chỉ là chụp ảnh
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các nước còn ban hành quy định, với những yêu cầu khắt khe hơn việc chụp ảnh chân dung.
Một số nước đang phát triển như Thái Lan, Bangladesh, Arab Saudi yêu cầu chủ thuê bao phải lấy dấu vân tay. Trong khi đó, vừa lấy dấu bân tay, vừa chụp ảnh là cách làm của Nigeria.
Những nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Singapore đã có cơ sở dữ liệu công dân từ lâu nay và chỉ cần đối chiếu căn cước là thông tin thuê bao được bảo đảm chính xác. Mọi giao dịch đều được kết nối với thông tin ID của công dân.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, việc soạn thảo Nghị định 49 đã qua quá trình tham khảo cách làm ở các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc đăng ký thông tin không chính xác cũng gây nên nhiều hệ lụy khó lường. Giả sử xảy ra vi phạm pháp luật liên quan đến thuê bao đăng ký tên sai, người đứng tên đăng ký thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc mà mình không làm hoặc ít nhất là gặp rất nhiều phiền phức không đáng có… Trong khi đó, Nhà nước cũng không thể biết ai là người phạm tội.
"Việc chụp ảnh khách hàng nhằm bảo đảm giao dịch là có thật và tránh việc dùng giấy Chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người khác để đăng ký thông tin thuê bao" – ông Nguyễn Đức Trung nói.
Khi Bộ Công an, Bộ Tư pháp hoàn thành được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc xác thực thông tin thuê bao có thể đơn giản hơn. Nhưng hiện nay cơ sở dữ liệu đó đang trong quá trình xây dựng trong khi vẫn phải bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Do đó, ngành viễn thông phải tự tạo ra cơ sở dữ liệu chính xác cho lĩnh vực mình quản lý.
Quy định chụp ảnh khi đăng ký thông tin thuê bao không áp dụng với mọi chủ thuê bao. Đối với thuê bao trả sau, trả trước chuyển sang trả sau mà doanh nghiệp viễn thông xác định được thông tin chính xác thì khách hàng không cần chụp ảnh. Trường hợp thông tin thuê bao không chính xác, người dân phải đăng ký lại như đối với thuê bao mới và phải chụp ảnh.
Từ sau ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác, bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung chủ thuê bao. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Có thể gửi ảnh selfie qua mạng
Vinaphone cho biết, khách hàng có thể tự chụp ảnh chân dung và gửi qua mạng cho nhà mạng. Cụ thể, ảnh của chủ thuê bao Vinaphone có thể gửi đến email (cskh@vnpt.vn), hoặc inbox fanpage Facebook VNPT VinaPhone, hoặc ứng dụng di động My VinaPhone. Bên cạnh đó, các điểm giao dịch Vinaphone trên toàn quốc cũng luôn mở cửa đến 21h hàng ngày (cả thứ bảy và chủ nhật) để phục vụ chủ thuê bao muốn đăng ký thông tin trực tiếp.
Đối với chủ thuê bao Viettel, nhà mạng này đã cập nhật ứng dụng di động My Viettel để tiếp nhận ảnh chụp chân dung. Tuy nhiên, có thể sẽ diễn ra tình trạng tiến trình xử lý chưa trôi chảy. Nguyên nhân là số lượng khách hàng cập nhật quá đông và nhân viên nhà mạng phải thực hiện các thao tác xác minh cẩn thận để đảm bảo thông tin được chính xác nhất.