Doanh nhân Hà Lan, muốn làm công dân Việt
Năm 2020 này, tại IPM Essen (Ðức), Công ty Hasfarm đã được trao giải Vàng “Sản xuất hoa cắt cành” trong khuôn khổ giải thưởng dành cho các công ty sản xuất hoa hàng đầu thế giới năm 2020, do Hiệp hội Quốc tế ngành Công nghệ Trồng trọt-Làm vườn (AIPH) tổ chức.
Hasfarm là công ty mẹ của Dalat Hasfarm, một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoa do ông Thomas Hooft sáng lập cách đây 26 năm và làm tổng giám đốc. Dalat Hasfarm đã đầu tư hàng chục triệu USD vào cơ sở hạ tầng, lắp đặt các nhà kính tự động đầu tiên ở Ðông Nam Á để sản xuất hoa theo công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu. Ông Hooft kể rằng, đã từng đi khảo sát ở Trung Quốc, Philippines, Indonesia…, khi đến Ðà Lạt, ông nhanh chóng nhận ra đây là vùng đất lý tưởng nhất.
Với hơn 80 ha nhà kính, công ty sản xuất hàng trăm triệu cành, chậu hoa và cây con mỗi năm, xuất khẩu hoa sang các thị trường Úc, Singapore, Ðài Loan, Indonesia, Campuchia… và ngay cả thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản. Dalat Hasfarm còn thiết lập hệ thống phân phối với 50 đại lý cùng hàng trăm cửa hàng hoa ở Việt Nam. Doanh số hàng năm trên mỗi hecta hơn 200 nghìn USD, cao gấp hàng chục lần mức trung bình của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Dalat Hasfarm tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động tại công ty, đồng thời hình thành các mô hình điểm để nông dân Ðà Lạt học tập, liên kết sản xuất, kinh doanh với hàng trăm hộ. Bởi thế, dẫu người gốc Hà Lan, ông vẫn được bình chọn là doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, nghệ nhân hoa Ðà Lạt. “Ðó là chuyện hiếm, niềm vinh hạnh lớn lao. Tôi rất hãnh diện khi được phát biểu trong cuộc gặp mặt Chủ tịch nước Việt Nam. Giờ phút đó tôi có cảm giác như mình là công dân Việt Nam”, ông từng tâm sự.
Năm 2012, ông Hooft nghỉ hưu, đến năm 2015, sau nhiều tháng đi đi, về về giữa Hà Lan và Ðà Lạt để chữa bệnh, ông đã mất tại Hà Lan. Tuy nhiên, theo di nguyện của Hooft, người thân đã mang một phần tro cốt về Ðà Lạt, nơi ông chuẩn bị sẵn phần mộ cho mình từ trước.
Các chuyên gia ngành hoa nhận định, sự ra đời của Dalat Hasfarm là nhân tố quan trọng thúc đẩy nghề trồng hoa theo công nghệ tiên tiến, làm nên cuộc cách mạng công nghệ với giới trồng hoa truyền thống ở Việt Nam; tạo nên bộ mặt mới cho thị trường hoa với các chủng loại hoa đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc; ghi tên Việt Nam lên bản đồ sản xuất và xuất khẩu hoa tươi thế giới.
Những thương hiệu cà phê “made with love”
Dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng thương hiệu café K’Ho của vợ chồng Josh Guikema vẫn không ngừng phát triển. Josh sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, anh sang Việt Nam và bị thôi miên bởi vẻ đẹp hoang dã của Cơ Liêng Rolan, sơn nữ của đoàn biểu diễn cồng chiêng. Sau 2 năm theo đuổi, Josh mới được Rolan để ý, bắt làm chồng (theo tục mẫu hệ).
Khi về làm rể ở buôn Bnơr'C dưới chân núi Lang Biang, Josh sững sờ khi nhìn thấy những đồi cà phê bạt ngàn, cành chi chít những quả đỏ tươi hoặc vàng ươm đẹp như tranh vẽ. “Tôi đã thưởng thức cà phê ở nhiều nước nhưng không loại nào có hương vị đặc biệt như loại Arabica này. Ðây là loại cà phê thơm ngon, hàng đầu thế giới bởi được trồng ở vùng cao trên 1.500m, đất bazan màu mỡ, khí hậu lạnh, sương mù bao phủ”, Josh nói.“Tôi đã thưởng thức cà phê ở nhiều nước nhưng không loại nào có hương vị đặc biệt như loại Arabica này. Đây là loại cà phê thơm ngon, hàng đầu thế giới bởi được trồng ở vùng cao trên 1.500m, đất bazan màu mỡ, khí hậu lạnh, sương mù bao phủ”.
Josh
Chàng kỹ sư nông nghiệp dày công tạo thương hiệu riêng cho cà phê của buôn làng, đặt tên là K’Ho Coffee. Anh xây dựng quy trình trồng cà phê hữu cơ; hướng dẫn người dân chuyển đổi từ phương thức chế biến cà phê khô sang chế biến tươi để nâng cao chất lượng. Mặt khác, thay vì chỉ bán cà phê nguyên liệu, Josh thử nghiệm các phương pháp rang xay thủ công để có cà phê thành phẩm nhằm thu lợi nhuận cao hơn.
“K’Ho Coffee không đen tuyền, đen sậm như một số loại cà phê khác mà có màu nâu, sóng sánh bắt mắt, đẹp như màu mắt của Rolan, người con gái tôi yêu”, Josh phấn khởi nói. Nếu như năm đầu tiên (2012), Josh mới chế biến thử 10kg cà phê Arabica, thời gian gần đây mỗi năm bán được hàng tấn.
Vợ chồng anh Josh Guikema trong trang phục truyền thống của người K'Ho
Một thương hiệu khác cũng gây ấn tượng mạnh là cà phê Bourbon của doanh nhân người Pháp Pierre Morère. Vườn cà phê của ông Pierre ở trong làng của người Cill thuộc xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương), cách Ðà Lạt hơn 20km. Bourbon là một trong 2 giống đầu tiên thuộc loài Arabica.
Pierre cho biết, ông ngoại của anh mang giống Bourbon sang trồng ở Ðà Lạt vào năm 1930; đồn điền cà phê rộng lớn phát triển thịnh vượng nhưng năm 1945, họ phải rời khỏi Việt Nam. Năm 1999, Pierre trở lại Ðà Lạt khôi phục giống cà phê này. Sau khi thu hoạch, anh cùng các cộng sự người Cill tự tay tách hạt cà phê, phơi khô rồi rang, xay thủ công. “Chế biến bằng máy sẽ khiến cấu trúc ADN trong hạt bị vỡ làm giảm chất lượng”, anh chia sẻ.
Phải mất vài năm nghiên cứu, học hỏi anh mới chế biến thành công cà phê mang thương hiệu Bourbon Morère Pointu và mang đi tiếp thị khắp nơi, từ những hội chợ cà phê thế giới, những khách sạn, nhà hàng, quán cà phê cao cấp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nổi tiếng như Annam Gourmet hay đầu bếp lừng danh như Pierre Gagnère. Anh sang tận nước Nhật để giới thiệu cà phê của mình với những nhà nhập khẩu chuyên ngành và Hiệp hội Cà phê Nhật Bản.
Ông Pierre Morère trong vườn cà phê
Cà phê của anh đã nhận được những phản hồi khá tốt về chất lượng và hương vị. Giá các loại cà phê khác trên thị trường chỉ có vài trăm ngàn/kg trong khi cà phê của anh lên tới 2 triệu đồng/kg nhưng vẫn thu hút được khách hàng sành điệu.