Chia sẻ về cơ hội thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho hay, nếu bước qua tháng 7, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và gỡ bỏ giãn cách xã hội, các doanh nghiệp sẽ khởi động lại kế hoạch kinh doanh của mình qua các hoạt động tiếp thị, mở bán,… thị trường sẽ "hửng sáng" hơn vào những tháng cuối năm. Trong đó, BĐS nhà ở bao gồm: đất nền, căn hộ, nhà phố biệt thự/shophouse,… vẫn luôn là kênh đầu tư được lựa chọn hàng đầu vì nhu cầu và triển vọng cao.
Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, dù thị trường BĐS biến động, đất nền vẫn là phân khúc khá sôi động trong thời gian tới. Khi mà quỹ đất "sạch" tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm, đất nền vùng ven (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh) tiếp tục giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới từ đợt "sốt" đất vừa qua. Ở phân khúc chung cư, nguồn và sức cầu có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Dự báo thị trường đến cuối năm, vị chuyên gia này cho rằng, giá nhà ở phân khúc bình dân và trung cấp có khả năng sẽ không tăng trong quý 3/2021 vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Thêm vào đó, lượng hàng tồn kho cũng không nhiều.
Các tín hiệu đáng trông đợi nhất là phản ứng chống dịch quyết liệt và triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại.
Theo vị chuyên gia này, BĐS công nghiệp vẫn là phân khúc sôi động khi nguồn cung đất khu công nghiệp không còn nhiều. Đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều người chọn lựa. Nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với quý trước và tập trung chủ yếu ở thị trường các các tỉnh giáp ranh Tp.HCM và sẽ không có nhiều biến động gồm cả về mặt bằng giá.
Còn theo ông Troy Griffths, Phó Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam, sau ba cuộc suy thoái gần nhất, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong vốn đầu tư toàn cầu vào các BĐS cốt lõi như tòa nhà văn phòng khu vực trung tâm và nhà ở cho nhiều hộ gia đình - những lĩnh vực luôn được coi là có rủi ro đầu tư thấp hơn trong thời điểm bất ổn. Ngoài ra, dòng tiền cũng có xu hướng ra khỏi các lĩnh vực khác, với rủi ro về dư thừa nguồn cung, đặc biệt là phân khúc thường dễ bị tác động như bất động sản bán lẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi, sẽ có nhiều đòn bẩy cho các hoạt động kinh tế hơn bởi cung và cầu vẫn chưa giữ được ở mức ổn định nhất định. Với lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng trưởng thu nhập, ổn định chính trị và sự phát triển cơ cấu của các loại tài sản, Việt Nam đang hưởng lợi từ chu kỳ đầu tư lần này, đặc biệt trong các phân khúc BĐS chăm sóc sức khoẻ, khoa học đời sống, dân cư và thậm chí cả giáo dục.
Theo ông Nguyễn Hoàng, thời điểm này, đầu tư vào loại hình nào thì còn tùy thuộc vào điều kiện về tài chính, sở thích, thói quen và sự hiểu biết về BĐS của nhà đầu tư. Cho dù đầu tư vào bất kỳ loại hình nào, nhà đầu tư cũng cần chú ý một số điểm cơ bản.
Thứ nhất, xác định rõ năng lực tài chính của mình với loại hình bất động sản phù hợp; hạn chế sử dụng đòn bẩy (vốn vay) vì khi thị trường biến động không tích cực, không "thoát hàng" được nhưng vẫn chịu lãi vay.
Thứ hai, xác định đầu tư dài hạn vì hiện nay thị trường không phù hợp cho đầu tư ngắn hạn 1 - 2 năm hoặc lướt sóng.
Thứ ba, tìm hiểu thật kỹ về bất động sản từ tổng thể dự án, chủ đầu tư, pháp lý, tiềm năng khu vực,..., đồng thời, luôn luôn cập nhật, nắm rõ những thông tin biến động của thị trường; Tìm đến những đơn vị bán hàng có uy tín tên tuổi để được tư vấn chuyên nghiệp và phù hợp.