Có sự khác biệt đáng kể về tỷ số giới tính giữa các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ số giới tính cao nhất, tương ứng là 100,9 nam/100 nữ và 101,7 nam/100 nữ; trong khi đó, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất, chỉ là 97,8 nam/100 nữ.
Hôn nhân là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới mức sinh và di cư, qua đó ảnh hưởng tới sự thay đổi của dân số. Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin về tình trạng hôn nhân đối với tất cả những người từ 15 tuổi trở lên.
Tình trạng hôn nhân được chia thành hai nhóm: Đã từng kết hôn và chưa từng kết hôn. Đã từng kết hôn là tình trạng một người đã kết hôn ít nhất một lần và đến thời điểm điều tra (ngày 01/4/2019) họ thuộc một trong bốn nhóm: đang có vợ/chồng, góa vợ/chồng, ly hôn hoặc ly thân.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn của cả nước là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%.
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 6,7 điểm phần trăm, tương ứng là 26,8% và 20,1%.
Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân cư và cơ cấu nhóm tuổi dẫn đến chênh lệch về tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng giữa các vùng. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng cao nhất (30,2%), cao hơn 1,8 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (17,0%).
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/chồng năm 2019 giảm 4,3 điểm phần trăm so với năm 2009, tương ứng là 22,5% và 26,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên ly hôn hoặc ly thân tăng so với năm 2009, tương ứng là 2,1% và 1,4%.
Có sự khác nhau về tình trạng hôn nhân giữa nam và nữ. Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm hơn hoặc phổ biến hơn nam: Tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73,4% và 81,5%.
Tỷ lệ không đi học của dân số nữ thấp hơn dân số nam, tương ứng là 7,5% và 9,2%.
Tình trạng này tương tự như năm 2009 nhưng hoàn toàn trái ngược so với cách đây 20 năm. Năm 1999, tỷ lệ dân số nữ trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học là 23,5%, cao hơn tỷ lệ dân số nam trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học 5 điểm phần trăm và cao gấp ba lần tỷ lệ này của nữ trong năm 2019.
Bằng chứng này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua nhằm tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đã được thực hiện rất thành công.
Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 95,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong 20 năm qua, tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể.
Năm 1999, tỷ lệ biết chữ của nam là 93,9%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 7,0 điểm phần trăm; đến năm 2019, tỷ lệ biết chữ của nam đạt 97,0%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 2,4 điểm phầm trăm.