Cùng với việc duyệt các dự án hỗ trợ vốn, cho vay sai nguyên tắc lên tới hàng nghìn tỷ đồng, những sai phạm về quản lý, kinh tế, quản lý đất đai và điều hành doanh nghiệp làm mất, khó thu hồi vốn nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc Tổng Công ty Cổ phần Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dưới thời các ông Nguyễn Thanh Giang, Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà (cả ba bị bắt giam cuối tuần qua) đã hé lộ những phi vụ làm ăn kiểu ném tiền Nhà nước qua cửa sổ.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, những quyết định điều hành khó hiểu dưới thời ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc giai đoạn 2011-2015) và ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc giai đoạn 2015-2018).
Đi kèm với hàng loạt các sai phạm về quản lý đã dẫn đến việc mất vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư hoặc thua lỗ tại nhiều đơn vị thuộc VEAM. Điển hình như chỉ riêng việc đầu tư, quản lý vốn tại chi nhánh VEAM ở Bắc Kạn, Nhà máy ô tô kinh doanh trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2018 đã làm mất vốn của VEAM tổng cộng hơn 331,8 tỷ đồng.
Đến ngày 1/1/2018, toàn bộ vốn đầu tư của VEAM tại Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) đã bị mất và bị âm lên tới hơn 36,1 tỷ đồng.
Tình trạng tiêu tiền nhà nước vô tội vạ dưới thời ông Lâm Chí Quang và ông Trần Ngọc Hà cũng được thể hiện qua việc vung tay đầu tư tại hàng loạt đơn vị sai quy định. Có thể kể đến các trường hợp như các ông Quang và Hà đã chấp nhận cho góp vượt vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh hay việc Viện Công nghệ tăng vốn tối thiểu 3,15 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh không đúng theo quyết định của HĐTV ngày 7/4/2011. Việc góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Liên doanh đầu tư Thái Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thủy Linh… về sau cũng được chỉ ra là sai quy định.
Cũng theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, cùng với việc để xảy ra nhiều dự án đầu tư thua lỗ, các ông Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà còn liên quan đến hàng loạt quyết định cho vay vốn, tính tiền lãi suất trái quy định, không hiệu quả đối với nhiều đơn vị đang kinh doanh thua lỗ liên tục nhiều năm. Doanh nghiệp này đã bị mất cân đối tài chính, thuộc diện giám sát đặc biệt, khiến việc thu hồi vốn đến nay gặp nhiều khó khăn.
“Lãnh đạo VEAM là các ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc giai đoạn 2010 - 2011), Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà phải chịu trách nhiệm chính về việc cho vay, tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi miễn lãi không có quy định cụ thể bằng văn bản đối với các đơn vị thành viên. Một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ. Tổng số tiền VEAM đã hỗ trợ, cho vay các đơn vị thành viên đến nay chưa thu hồi được hơn 595,3 tỷ đồng”, Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương nêu.
Bên cạnh việc cho vay tiền tràn lan, các cựu lãnh đạo của VEAM kể trên còn để xảy ra các khoản nợ đọng kéo dài lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà theo kết luận thanh tra chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được. Trong đó, riêng khách hàng nợ Tài khoản 131 lên tới hơn 88,3 tỷ đồng; nợ Tài khoản 138 hơn 5.919 tỷ đồng. Các công ty cũng nằm trong danh sách nợ VEAM số tiền lớn khác phải kể đến như Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng nợ 95,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ nợ hơn 136 tỷ đồng…
Theo Thanh tra Bộ Công thương, tại thời điểm 21/12/2017, VEAM đã cho các đơn vị thành viên vay vốn có giá trị gốc lẫn lãi trên 658 tỷ đồng. Ðến tháng 6/2018, tổng số tiền cho vay chưa thu hồi lên tới hơn 595 tỷ đồng. Trong số này, nợ phải thu quá hạn 6 - 12 tháng là 19,4 tỷ đồng; nợ quá hạn 1 - 2 năm là 6,3 tỷ đồng; nợ phải thu quá hạn từ 3 năm trở lên hơn 258 tỷ đồng.