Phần lớn các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đều cho rằng căng thẳng thương mại leo thang đã đẩy Mỹ đến gần bờ vực suy thoái. Họ đang kỳ vọng Fed hành động, hạ lãi suất hơn nữa.
Dưới đây là những dấu hiệu được giới quan sát thị trường theo dõi để xác định nguy cơ suy thoái.
Đường cong lợi suất
Đường cong lợi suất là đồ thị các lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ - tức các khoản nợ của chính phủ liên bang – kỳ hạn từ 1 tháng cho đến 30 năm.
Trái phiếu kỳ hạn dài thường có lợi suất cao hơn kỳ hạn ngắn bởi nhà đầu tư thường kỳ vọng nhận lại nhiều hơn vì chấp nhận rủi ro từ việc tiền của họ bị “chôn chân” lâu hơn.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm qua các năm.
Các chuyên gia kinh tế thường theo dõi chênh lệch giữa lợi suất ngắn hạn và dài hạn. Chênh lệch càng lớn đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế càng mạnh và ngược lại.
Đường cong lợi suất đảo chiều, như trong tuần trước, tức là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống thấp hơn kỳ hạn 2 năm. Đó là tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế bởi khủng hoảng thường xuất hiện sau đó, nhưng cũng có thể phải mất đến 2 năm để suy thoái bắt đầu.
Thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thường tăng nhẹ trước hoặc trong những ngày đầu của hai cuộc khủng hoảng gần đây nhất trước khi tăng mạnh. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ gần đáy 50 năm.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ được theo dõi để xác định ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tới thị trường lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. |
Chênh lệch sản lượng
Chênh lệch sản lượng là khác biệt giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng của một nền kinh tế, tức GDP, và thường được dùng để đo sức khỏe của nền kinh tế.
Chênh lệch dương có nghĩa nền kinh tế đang hoạt động vượt tiềm năng. Thông thường, nền kinh tế sẽ hoạt động kém nhất so với tiềm năng vào cuối đợt suy thoái và đạt đỉnh khi giai đoạn tăng trưởng kết thúc.
Tuy nhiên, chênh lệch sản lượng có thể ở trên 0 suốt nhiều năm trước khi suy thoái bắt đầu.
Chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng của Mỹ. |
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán lao dốc có thể là tín hiệu suy thoái cận kề hoặc đã bắt đầu nhưng đang tạm ngưng. Thị trường chứng khoán từng giảm mạnh trước cuộc suy thoái năm 2001 và năm 2008.
Biến động chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ. |
Thước đo Boom - Bust
Thước đo Boom – Bust (Căng - Xì hơi) do Ed Yardeni đưa ra đo lường giá giao ngay của các nguyên liệu cho công nghiệp như đồng, thép và chì phế liệu, chia cho số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Chỉ số này thường giảm trong 2 cuộc suy thoái gần đây nhất.
Thước đo Boom - Bust qua các năm. |
Thị trường nhà ở
Số giấy phép xây dựng và khởi công nhà – tín hiệu cho thấy nhu cầu sắp tới trong thị trường nhà ở - đã giảm trước khi một số cuộc suy thoái bắt đầu.
Số giấy phép xây dựng và nhà ở khởi công qua các năm. |
Chỉ số Khốn khổ
Chỉ số Khốn khổ kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Chỉ số thường tăng trong giai đoạn gần hoặc khởi đầu suy thoái rồi giảm khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm, kéo giá giảm theo.
Diễn biến chỉ số khốn khổ qua các năm. |
|