Trong lúc Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đang nỗ lực thúc đẩy một đạo luật cải tổ thuế nhằm cắt giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD tiền thuế, một bản báo cáo cho thấy những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lại không phải là những nước mà người dân được hưởng mức thuế thấp.
Ngược lại, những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thường cũng là những nước mà người dân phải đóng thuế vào hàng cao nhất thế giới.
Trang CNBC dẫn Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) mới nhất của Liên hiệp quốc cho biết, top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2017 là: Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sỹ, Phần Lan, Hà Lan, Canada, New Zealand, Australia, và Thụy Điển.
Ông Jeffrey Sachs, đồng tác giả của báo cáo trên, nói rằng "hạnh phúc là kết quả của việc tạo ra những nền tảng xã hội ổn định", và nếu các quốc gia khác ưu tiên "niềm tin xã hội" và "cuộc sống lành mạnh" thì cũng có thể khiến người dân của mình trở nên hạnh phúc hơn.
Nhóm 3 nước hạnh phúc nhất thế giới gồm Na Uy, Đan Mạch và Iceland nằm trong số những quốc gia có mức thuế cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - xét về tỷ lệ của tổng thu thuế trong tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Ở các nước này, người dân được hưởng các chế độ phúc lợi cao, nhưng là nhờ chính vào mức thuế cao mà họ đóng góp cho nhà nước, chẳng hạn chế độ chăm sóc y tế toàn dân, trường học miễn phí, chế độ nghỉ thai sản có trợ cấp…
Đây chính là những "nền tảng xã hội ổn định" mà ông Sachs đề cập.
Vị chuyên gia này nói rằng, trên thực tế, mức độ hạnh phúc của người dân mỗi nước liên quan đến những gì mà họ nhận lại được từ nhà nước đối với số tiền thuế mà họ đã đóng.
"Họ hạnh phúc vì những xã hội này không chỉ thịnh vượng mà còn có mức độ bình đẳng cao, có niềm tin xã hội và sự trung thực của chính phủ. Họ được hưởng những kỳ nghỉ dài vẫn được trả lương, được chăm sóc y tế miễn phí, học phí thấp hoặc bằng 0, và dịch vụ công cộng chất lượng cao cho tất cả mọi người", ông Sachs phát biểu.
Ông Sachs nói thêm rằng, bên cạnh đó "đây cũng là những quốc gia có ý thức cao về môi trường và phấn đấu trở thành những nền kinh tế có mức phát thải bằng 0".
Vào năm 2014, về tỷ lệ của tổng thu thuế so với GDP và mức thuế bình quân đầu người, Na Uy đứng thứ nhì trong số 35 nước OECD. Mỗi người dân nước này đóng trung bình 37.682 USD tiền thuế trong năm 2014. Đan Mạch đứng thứ ba (30.630 USD), và Iceland đứng thứ 9 (20.418 USD) - theo số liệu của OECD.
Trung bình trong năm 2014, mỗi người dân trong OECD đóng 14.916 USD tiền thuế. Người dân trong top 10 nước hạnh phúc nhất thế giới đều đóng thuế cao hơn mức này, trừ trường hợp New Zealand (14.327 USD). Mức thuế mà trung bình mỗi người Mỹ đóng trong năm 2014 là 14.115 USD.
Tuy nhiên, người dân New Zealand vẫn được hưởng chế độ phúc lợi cao, gồm bảo hiểm y tế toàn dân, 18 tuần nghỉ sinh được trợ cấp, và các chế độ dành cho gia đình thu nhập thấp - trung bình có con nhỏ.
Trong khi đó, Mỹ chỉ xếp thứ 14 thế giới về mức độ hạnh phúc của người dân trong năm 2017, thấp hơn đáng kể so với vị trí số 7 của quốc gia láng giềng Canada.