Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chuyên giám sát nguồn cung dầu toàn cầu, tôn trọng quyết định của từng quốc gia về “cách phản ứng tốt nhất với những thách thức và tình huống họ phải đối mặt”.
“Chúng tôi công nhận giá dầu tăng đang tạo gánh nặng lên người tiêu dùng và gia tăng áp lực lạm phát trong giai đoạn đà phục hồi kinh tế còn bất ổn và nhiều rủi ro”, IEA cho biết.
Mỹ sẽ xả khoảng 50 triệu thùng từ Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR), bắt đầu ra thị trường trong tháng 12.
Dưới đây là những quốc gia hành động tương tự Mỹ.
Ấn Độ
Ấn Độ đồng ý xả 5 triệu thùng dầu, thời gian theo thỏa thuận với 5 quốc gia khác.
“Ấn Độ từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về nguồn cung dầu đang bị các quốc gia sản xuất cố ý điều chỉnh xuống thấp hơn lực cầu, dẫn đến giá tăng và ảnh hưởng tiêu cực đi kèm”, chính phủ Ấn Độ cho biết trong thông báo không lâu sau Nhà Trắng.
Chính phủ một số bang Ấn Độ đã phải chọn “bước đi khó khăn” như cắt thuế nhiên liệu.
“Bất chấp gánh nặng tài khóa lớn lên chính quyền, họ vẫn thực hiện để hỗ trợ cho người dân”, thông báo bổ sung.
Kho dự trữ dầu Shibushi ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, ngày 18/1/2019 nhìn từ trên cao. Ảnh: Kyodo/Reuters.
Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc thông báo khối lượng và thời điểm bán dầu dự trữ sẽ được quyết định thông qua tham vấn với các quốc gia khác nhưng dự đoán chỉ ở mức “tương tự như những lần hợp tác quốc tế trước đó”.
Trong khủng hoảng Libya năm 2011, khi cuộc nội chiến tại đây làm nguồn cung toàn cầu mất đi tới 1,8 triệu thùng/ngày, Hàn Quốc đã bán gần 3,5 triệu thùng dầu, tương đương 4% dự trữ quốc gia.
“Chính phủ Hàn Quốc quyết định tham gia đề xuất từ Mỹ, bán dầu dự trữ sau khi cân nhắc sự cần thiết của hợp tác quốc tế để ứng phó tình trạng giá dầu gần đây tăng mạnh, tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn và sự tham gia của các quốc gia lớn”, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Anh
Chính phủ Anh thông báo sẽ cho phép các công ty “tự nguyện xả” dầu dự trữ lên tới 1,5 triệu thùng, trong động thái được gọi là “bước đi nhạy cảm và có tính toán để hỗ trợ thị trường khi thế giới trỗi dậy từ đại dịch”.
“Như chúng tôi từng nói, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để làm những gì có thể để hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong quá trình vượt qua đại dịch”, theo người phát ngôn chính phủ Anh.
Trung Quốc
Nền kinh tế số hai thế giới, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất, ngày 19/11 đang nghiên cứu khả năng xả dầu dự trữ. Người phát ngôn Cơ quan Thực phẩm và Dự trữ Chiến lược Quốc gia Trung Quốc nói Bắc Kinh “đang thúc đẩy các công việc liên quan bán dầu dự trữ”.
Người này từ chối bình luận đây có phải hành động đáp lại lời kêu gọi từ Mỹ về phối hợp để ứng phó tình trạng
CNN tháng 19 đưa tin Trung Quốc không cung cấp nhiều thông tin về dự trữ dầu. Trung Quốc năm 2017 cho biết đã thiết lập 9 cơ sở dự trữ lớn ở nước này, tổng sức chứa 37,7 triệu tấn.
Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay xác nhận Nhật Bản sẽ xả dầu từ dự trữ quốc gia.
“Chúng tôi đang hợp tác với Mỹ để ổn định thị trường dầu quốc tế”, ông trả lời báo giới. Nhật Bản sẽ thực hiện theo cách không vi phạm luật về dự trữ.
Theo Thủ tướng Kishida, ổn định giá dầu là quan trọng nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19. Thời gian và khối lượng bán ra sẽ được thông báo sau.
Nhật Bản có tổng cộng 388 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược tính đến tháng 6/2020, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ. 76% số này trong kho của chính phủ, 24% trong kho thương mại.