Hơn 10 ngày nữa là đến dịp Tết Nguyên Đán nhưng ở các rựa trồng cam đã chín mọng, vàng rực. Xứ cam bù Hương Sơn, Thượng Lộc (Can Lộc) năm nay được mùa lớn, người dân nơi đây đang tất bật cho ngày hái quả.
Những vựa cam chín mọng được người dân các xã ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Thượng Lộc (Can Lộc) đang chăm sóc từng ngày để "xuất Tết". Với khí hậu thuận lợi, năm nay người dân trồng cam bù ở huyện Hương Sơn bội thu đưa về tiền tỷ cho người nông dân.
Chùm ảnh PV Tiền phong ghi lại tại "thánh địa cam bù" ở huyện Hương Sơn và Thượng Lộc.
Trong các xã của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cam bù được trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Trường…
Ông Trần Ngọc Kiên, Chủ tịch UBND xã Sơn Mai cho biết, trong xã có hơn 200 hộ dân trồng cam bù với diện tích hơn 280ha, tổng sản lượng thu nhập 2017 gần 40 tỷ.
“Cam bù là loại cây phát triển chủ lực của xã, nhiều hộ gia đình cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. So với những năm trước, cam bù năm nay có năng suất cao, nhưng giá cả thị trường đang bấp bênh”, ông Kiên cho hay.
Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết nguyên đán.
Mỗi cây cam bù Hương Sơn cao khoảng 2m, cho quả, có cây gần 200 quả. Để cho quả không sà xuống mặt đất, người dân đã phải chống cọc tre xung quanh các cành cây.
Ông Phan Xuân Ái (47 tuổi), trú tại xóm Kim Lộc, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, gia đình trồng hơn 1.000 gốc cam bù, mỗi năm cho thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng.
Cam bù Hương Sơn mọng nước, vị ngọt thanh và thơm, nhiều năm qua trở thành đặc sản quý của người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh), thường được đem làm quà biếu.
Cứ đến mùa các thương lái từ nhiều nơi lại tìm đến tận vườn để thu mua. Mỗi quả trung bình nặng khoảng 0,3kg, có những quả nặng hơn 0,7kg. Giá cam bù Hương Sơn thu mua tại vườn có giá từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg.
Tuổi thọ trung bình của mỗi cây là 10-15 năm, sau đó phải thay mới.
Xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc được mệnh danh là “thủ phủ của cam”, nhất là cam chanh chất lượng cao với gần 600 hộ trồng cam trên tổng diện tích khoảng 230ha trong đó gần 150ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các thôn: Anh Hùng, Sơn Bình, Nam Phong, Đông Phong...
Ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết, cam được trồng chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Sơn Bình, Nam Phong, Đông Phong… với nhiều loại cam như cam bù, cam chanh, cam giòn.
Theo ông Chuân, ước tính sản lượng cam của xã Thượng Lộc sẽ đạt gần 2.200 tấn, cho giá trị kinh tế ước đạt gần 100 tỷ đồng.
Nhờ chăm sóc tốt nên cây nào cây nấy đều cho quả rất to, đều, ngọt, có màu vàng sáng... chờ tay người trồng cam đến cắt hái, phục vụ thị trường tết.
Để cam có chất lượng sạch, người dân tự thiết kế các vật dụng để phòng trừ sâu bệnh.
Gia đình chị Phan Thị Hiền, (47 tuổi, trú thôn Anh Hùng) có vườn cam rộng gần 4 hecta, có 1.250 gốc, trong đó hơn 320 gốc đang cho thu hoạch, đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm.
Các thương lái đến tại vườn để thu mua cam.