Warren Buffett được mệnh danh là một huyền thoại đầu tư của mọi thời đại. Suốt hàng thập kỷ, vị CEO của Berkshire Hathaway đã cho cả thế giới thấy khả năng “đọc vị” phố Wall của mình. Với khối tài sản ròng 101,6 tỷ USD theo thống kê của Forbes, ông hiện là một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới
Thế nhưng, không phải lúc nào “nhà hiền triết xứ Omaha” cũng luôn có các quyết định đầu tư đúng đắn. Ông đã từng mắc sai lầm và đã có những lần bỏ lỡ cơ hội. Thế nhưng không giống nhiều nhà đầu tư khác, thay vì giấu đi, Warren Buffett dám nhận những lần thất bại của mình.
Mua lại Berkshire Hathaway
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNBC vào năm 2010, Warren Buffett tiết lộ một điều đáng kinh ngạc: ông coi việc mua lại cổ phiếu của tập đoàn Berkshire Hathawa, nơi ông đang giữ chức CEO, là hành động xếp vào hàng ngu ngốc nhất.
Buffett bắt đầu rót vốn vào Berkshire Hathaway vào năm 1962 khi tập đoàn sản xuất đồ may mặc này đang trong cảnh thua lỗ. Ông mong rằng mình sẽ nhận được lãi khi tập đoàn này thanh lý tài sản để trả nợ. Nhưng khi ban lãnh đạo chọc tức Buffett để ông bỏ thêm vốn, vị tỷ phú này đã quyết định mua lại toàn bộ Berkshire Hathaway, sa thải bộ máy quản lý và tự mình điều hành doanh nghiệp trong 20 tiếp theo. Warren Buffett ước tính, hành vi mang tính “báo thù” đã khiến ông tiêu tốn tới hơn 200 tỷ USD.
Bài học: Là người kinh doanh, đừng để cảm xúc chi phối quyết định đầu tư của bạn.
Tỷ phú Warren Buffett. Ảnh: CNBC
Mua công ty may mặc Waumbec
Từng bày tỏ sự hối tiếc khi mua lại Bershire Hathaway vào năm 1962, thế nhưng 13 năm sau Warren Buffett lại lặp lại đúng sai lầm đó khi ông lên nắm quyền sở hữu công ty may mặc Waumbec Mills cũng ở New England.
“Giá trị tài sản của Waumbec Mills lúc đó quá hấp dẫn so với số tiền chúng tôi phải bỏ ra", tỷ phú Warren Buffett thừa nhận trong bức thư gửi các cổ đông của ông vào năm 2014. “Bản thân tôi và Berkshire Hathaway cũng mong muốn sẽ có được máy móc, nhân công và thị phần của Waumbec Mills".
Với Warren Buffett, đây là một sai lầm tồi tệ, bởi chỉ vài năm sau khi được mua lại, toàn bộ dây chuyền sản xuất của Waumbec đã bị đóng cửa.
Bài học: Tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. Khi đầu tư, nếu không thành công ngay từ đầu thì hãy chuyển hướng sang một chiến lược mới.
Đầu tư vào Tesco
Bershire Hathaway sở hữu 415 triệu cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Tesco (Anh) vào cuối năm 2012. Dù đã bán bớt, song doanh nghiệp của Warren Buffett vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của tập đoàn này. Năm 2014, vụ việc Tesco khai gian doanh thu để che giấu việc kinh doanh thua lỗ bị khui ra và Bershire Hathaway đã chịu thiệt hại hàng triệu USD.
Trong bức thư gửi các cổ đông của mình năm 2014, Buffett cho biết chính mối quan ngại về vấn đề quản lý của Tesco là nguyên nhân khiến ông bán bớt cổ phiếu của tập đoàn này để thu lại 43 triệu USD. Vấn đề là ông còn quá chần chừ để bán hết toàn bộ số cổ phiếu còn lại.
“Tôi rất xấu hổ thừa nhận rằng đáng lẽ mình nên bán cổ phiếu của Tesco sớm hơn. Tôi đã phạm sai lầm lớn vì thái độ chần chừ của mình", Buffett viết. Vụ đầu tư này đã khiến Bershire Hathaway thua lỗ 444 triệu USD.
Bài học: Phải dũng cảm để đưa ra quyết định đúng lúc.
Mua công ty giày Dexter
Năm 1993, Warren Buffett đã mua lại công ty giày Dexter với giá 433 triệu USD bằng cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Trong bức thư năm 2007 cho các cổ đông, ông Buffett đã giải thích về quyết định tồi tệ này và thừa nhận nó đã khiến các nhà đầu tư phải chi tới 3,5 tỷ USD. Vào thời điểm đó, con số này tương đương 1,6% giá trị thực của Berkshire Hathaway. Khi quyết định mua lại, Buffett đánh giá Dexter có “lợi thế cạnh tranh lâu bền”, nhưng điều này dường như đã biến mất trong vài năm sau đó.
“Cho đến nay, Dexter là hợp đồng tồi tệ nhất mà tôi đã làm", Buffett viết, “nhưng tôi sẽ mắc nhiều lỗi hơn trong tương lai”.
Bài học: Một công ty ở vào trạng thái tốt nhất nếu có một lợi thế cạnh tranh khả thi. Nếu không có lý do vững chắc để khách hàng tiếp tục ủng hộ một thương hiệu, thì thương hiệu đó có khả năng thất bại.
Sử dụng cổ phiếu Berkshire để mua công ty giày Dexter
Vẫn tiếp tục câu chuyện mua lại công ty giày Dexter. Trong bức thư năm 2014 gửi cho các cổ đông, tỷ phú Warren Buffett một lần nữa tỏ ra thất vọng về cách ông thanh toán cho hợp đồng mua lại trị giá 433 triệu USD. Thay vì trả tiền mặt, ông đã sử dụng cổ phiếu Berkshire để mua bán. Vào thời điểm ông viết bức thư (tức năm 2014), ông tiết lộ rằng những cổ phiếu này có giá trị tới 5,7 tỷ USD.
“Nếu coi đây là một thảm họa tài chính thì vụ này xứng đáng được ghi vào sách Kỷ lục Guinness,” ông khẳng định.
Bài học: Hãy đảm bảo rằng các nguồn lực của bạn được phân bổ đúng cách. Nếu danh mục đầu tư hiện tại của bạn đang hoạt động tốt, đừng rút tiền từ các khoản đầu tư cố định để mua doanh nghiệp bên ngoài.
Mua lại Berkshire Hathaway cũng là một trong những sai lầm của Buffett. Ảnh: Berkshire |
Ôm món nợ của Energy Future
Trong bức thư gửi các cổ đông vào năm 2013, Warren Buffett giải thích về sai lầm của mình trong thương vụ với công ty đầu tư Energy Future. Trước đó, Energy Future đang vướng vào khoản vay nợ đầu tư 8 tỷ USD.
“Bershire Hathaway mua lại 2 tỷ USD nợ của Energy Future, một quyết định được tôi đưa ra mà không tham khảo ý kiến của Charlie”. (tức Charlie Munger, phó chủ tịch của Berkshire Hathaway).
Warren Buffett đã dự đoán chính xác rằng Energy Future sẽ phá sản. Điều này quả thật xảy ra vào năm 2013 và nhờ bán thanh lý tài sản, Berkshire Hathaway vẫn kịp thu lại hơn 259 triệu USD. Tuy vậy, Warren Buffet vẫn phải chịu lỗ 873 triệu USD.
Bài học: Luôn phải bàn thảo với các đồng nghiệp của bạn trước khi thực hiện những thương vụ quan trọng.
Không mua lại đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC
Không phải tất cả thất bại của Warren Buffett đều liên quan đến lãi hay lỗ. Một trong những điều ông hối tiếc nhất là không mua lại đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC với giá 35 triệu USD.
Trong bức thư gửi các cổ đông năm 2007, Warren Buffett giải thích rằng ông từ chối mua Dallas-Fort Worth NBC vì trước đó đã chi tiền để sở hữu công ty bánh kẹo See’s Candies vào năm 1972. Đối tác trong thương vụ Dallas-Fort Worth NBC lại là người mà Warren Buffett hoàn toàn tin tưởng và ông cũng biết chắc với tiềm năng của Dallas-Fort Worth NBC, mình sẽ không cần chi ra quá nhiều để thu về lợi nhuận; tuy vậy, ông vẫn quyết định không mua.
Năm 2006, đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC kiếm được 73 triệu USD tiền doanh thu. Tổng giá trị của công ty này lúc đó lên tới 800 triệu USD.
Bài học: Nhà đầu tư phải nắm chắc cơ hội ngay khi nó đến.