Ngoài máy gieo hạt, Phạm Văn Hát còn sáng chế rất nhiều máy hữu ích khác phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Máy phun thuốc trừ sâu tự động, máy đặt bầu tự động, khay cắt rau mầm thông minh, máy rải phân...
Anh Phạm Văn Hát (SN 1972) ở Tứ Kỳ, Hải Dương vốn không phải là nhà sáng chế “từ trong trứng”, nhưng bù lại có sự nhanh nhạy và óc sáng tạo vô cùng đáng nể. Ngay chính bản thân anh Hát cũng chưa từng nghĩ có ngày anh trở nên nổi tiếng nhờ những chiếc máy mà theo lời anh nói là “đơn giản tới không ngờ”.
Cơ duyên sáng chế đến từ Israel
Năm 2010, anh Hát sang Israel dưới dạng xuất khẩu lao động, mục đích là kiếm tiền trả khoản nợ 3,7 tỷ đồng do làm rau công nghệ cao thất bại. Thế nhưng cơ duyên đã khiến cuộc đời anh rẽ sang một hướng đi mới hoàn toàn khác.
Nhà sáng chế Phạm Văn Hát bên máy gieo hạt tự động làm nên tên tuổi của anh. Ảnh: Nguyễn Chương |
Từ công việc rải phân vất vả, anh đã nghĩ ra phải chế tạo một chiếc máy rải phân để đỡ cực nhọc hơn. Thật may, khi trình bày ý tưởng đó với ông chủ người Israel, anh đã được tạo điều kiện để hoàn thiện chiếc máy rải phân - cũng là công trình sáng chế đầu tiên của anh.
Từ chiếc máy đầu tiên, anh Hát còn làm thêm 2 phiên bản khác cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện hơn. Cho đến cái thứ 3 thì thay thế được 25 nhân công lao động và được đăng ký bản quyền, được Chính phủ Israel mua đứt. Anh được ông chủ thưởng nóng cho 10.000USD và tăng lương từ 1.000USD/tháng lên 2.000 rồi 2.5000USD/tháng.
Thế nhưng chính lúc phát hiện ra khả năng của mình, anh Hát lại tính phải tìm đường về quê.
Những ngày đầu mới về nước, anh Hát cũng gặp không ít khó khăn, nhiều người nghe anh sáng chế này nọ, họ không tin, thậm chí không ít người còn bảo anh ăn cắp công nghệ của người ta rồi về làm.
Hai vợ chồng anh bỏ ngoài tai, cứ lẳng lặng làm. Sau hơn 1 năm các loại máy của tôi ra đời, được nhiều người tìm mua thì tiếng đồn mới dần lắng xuống.
Nổi tiếng nhất trong số gần 40 loại máy anh Hát đã chế tạo chính là máy gieo hạt, hiện có 2 phiên bản: Gieo trên khay và gieo dưới đất. Nói về cơ duyên sáng chế ra chiếc máy ăn khách này, anh Hát kể: “Thời điểm tôi vừa từ Israel về, một lần 2 anh em bàn chuyện, anh trai có hỏi tôi “bên Israel có cái máy gieo hạt không?”. Tôi đáp: “Có nhưng họ chỉ gieo trên khay thôi, không có máy đặt dưới đất, muốn trồng dưới đất họ cũng rắc như mình rồi nhổ những cây thừa vứt đi”.
Nghe xong ông anh tôi nói vu vơ: “Giờ anh nào mà sáng chế được cái máy này thì chắc chắn ăn to tiền”. Biết là khó nhưng tôi vẫn quyết làm, ngày đầu cứ mua thiết bị về rồi lại hỏng, lại đi mua. Con còn nhỏ, nhà vẫn nợ nần; vợ cứ thấy đốt tiền vào làm mà không ra trò trống gì nên xót của, thế là thành ra cãi nhau, suýt nữa thì vợ chồng tôi bỏ nhau vì sáng chế đấy.
Cãi nhau nhiều đến mức tôi mấy lần quăng cái máy vào sọt rác cho yên cửa yên nhà, nhưng nghĩ tiếc công tiếc của lại lôi ra mày mò tiếp, hơn 2 năm mới thành hình cái máy gieo hạt.
Muốn giúp bà con nhiều hơn
Máy đặt hạt do anh Hát chế tạo có thể di chuyển trên đồng ruộng, đặt hạt giống trực tiếp xuống luống.
Máy chỉ nặng 20kg, cao khoảng 20cm, rộng hơn 1m2. Máy gồm bộ khung với 4 môtơ. Quan trọng nhất là bộ phận đóng hút hơi. Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc cơ học: Khi hút hơi, van đóng lại, đầu kim hút hạt chuyển sang máng rơi hạt. Lúc này van tự động mở, kết hợp với độ rung làm hạt rơi xuống luống.
Nhờ máy hoạt động cơ học, không có các vi mạch nên rất ít hư hỏng, dễ điều khiển: “Chỉ việc cắm điện vào là máy tự chạy. Nó được thiết kế đi trên mọi địa hình, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4cm và chỉ vài phút là xong.
Máy đặt hạt vào khay của các hãng khác thay thế khoảng 7 nhân công, được bán với giá 60 triệu đồng; còn máy đặt hạt của tôi thay thế được 40 nhân công nhưng chỉ có giá 35 triệu đồng” - anh nói và cho biết, máy chỉ tiêu tốn 1kW điện trong 100 tiếng đồng hồ hoạt động.
Ngoài máy gieo hạt, Phạm Văn Hát còn sáng chế rất nhiều máy hữu ích khác phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Máy phun thuốc trừ sâu tự động, máy đặt bầu tự động, khay cắt rau mầm thông minh, máy rải phân...
(Theo Dân Việt)