Theo kế hoạch, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 ra xét xử từ ngày 24/7/2018. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 15/8. Đáng lưu ý, phiên tòa này có "tập hợp" nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo ngân hàng "một thời vang bóng".
Có thể kể đến những cái tên như ông Trầm Bê, nguyên là phó chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank; ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank, trước đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam – ngân hàng sáp nhập vào Sacombank; dàn cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng như ông chủ tịch Phạm Công Danh, ông Tổng giám đốc Phan Thành Mai và hàng chục bị cáo nguyên là cán bộ của 4 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank và VNCB.
Trước đó hồi tháng 5, tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cũng đã xét xử sơ thẩm vụ án gây thất thoát hơn 6.000 tỷ xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn Hội đồng quản trị TrustBank, cổ đông lớn từng nắm giữ 87% vốn của ngân hàng này, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó bà Phấn đã bị tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên án 17 năm tù trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Dù hiện tại bà này đang nằm viện do sức khỏe suy giảm tới 93%, nhưng là bị án chịu mức án tổng cộng tới 30 năm tù.
Bà Phấn là cái tên khá nổi trong giới ngân hàng. Theo như lời của ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Dương và ông Phạm Công Danh, cựu chủ tịch VNCB, thì bà Phấn dù không nắm chức danh chủ tịch ngân hàng Đại Tín nhưng bà này lại là người có quyền quyết định tới toàn bộ hoạt động của Hội đồng quản trị.
Còn ông Phạm Công Danh vốn là đại gia trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng trước khi "sa cơ lỡ vận" ở Ngân hàng Xây Dựng và kéo theo vòng xoáy của hàng loạt đại gia ngân hàng dính líu và rơi vào vòng lao lý như hiện nay. Trước khi vụ án xảy ra, ông Phạm Công Danh được cho là sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến hàng chục tỷ USD.
Ông Hà Văn Thắm, đang là bị án chịu án chung thân do Tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt hồi tháng 5/2018 cũng từng là người rất nổi tiếng trong giới ngân hàng, bất động sản, du lịch, khách sạn…Trước khi bị bắt giam vào năm 2014, ông Thắm là 1 trong 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam lúc bấy giờ với tổng tài sản công khai gần 1.600 tỷ. Giới tài chính khi ấy còn tin rằng ông Thắm sẽ được bình chọn là tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng – ông chủ của Vingroup.
Nổi cùng thời với ông Thắm là cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương Nguyễn Xuân Sơn. Ông này thời còn làm ngân hàng đã phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong việc chi lãi ngoài và thêm tội tham ô khiến Tòa án nhân dân cấp cao đã phải tuyên tử hình hồi tháng 5 vừa qua trong vụ án cùng với Hà Văn Thắm.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Kiên, hay còn gọi là Bầu Kiên, đã làm "sóng gió" thị trường tài chính Việt Nam. Một trong những người giàu nhất trong giới doanh nhân cách đây gần chục năm, ông Kiên được biết đến là người sáng lập ngân hàng ACB, bị bắt năm 2012 về các tội trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay ông Kiên đang phải thụ án 30 năm do tòa án nhân dân tối cao tuyên phạt hồi năm 2014, nhưng một số nguồn tin cũng cho hay ông này bị bệnh nặng đang phải điều trị tại bệnh viện.
Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên đều là những cái tên nổi đình nổi đám trên thị trường tài chính Việt Nam nhưng hiện nay lại có tương lai tăm tối khi đều phải chịu án tù
Trở lại với vụ án sắp được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 24/8 tới liên quan đến ông Trầm Bê – cựu lãnh đạo Sacombank. Ông Trầm Bê trước đây là phó chủ tịch của Ngân hàng Phương Nam, đã tham gia thâu tóm ngân hàng Sacombank vào năm 2012 và sau đó giữ chức vụ tương tự tại nhà băng được cho là tốt nhất nhóm cổ phần tư nhân. Sau khi thâu tóm Sacombank, hàng loạt lãnh đạo của Phương Nam đã chuyển sang Sacombank để ngồi trong ghế Ban điều hành và năm 2015 hai ngân hàng sáp nhập làm một.
Trong vụ án liên quan Phạm Công Danh, còn gọi là vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2, ông Trầm Bê cùng với Phạm Công Danh, Phan Huy Khang bị cáo buộc là đã thống nhất để cho Sacombank cho Phạm Công Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB. Việc vay tiền được ông Danh thực hiện thông qua việc để tên các công ty đứng tên vay, nhưng khi đến hạn hợp đồng tín dụng các công ty không trả được, Sacombank đã tự động thu 1.835,8 tỷ đồng (cả gốc và lãi) từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ. Do các công ty không có tài sản đảm bảo nên VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho các công ty, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.835 tỷ.
Những hành vi tương tự được cho là cũng xảy ra ở TPBank và BIDV cho Phạm Công Danh vay vốn.
Ngoài ông Trầm Bê là bị cáo, thì tòa án Tp.HCM cũng cho triệu tập các đại gia ngân hàng đến từ BIDV gồm cựu chủ tịch Trần Bắc Hà, hai đương kim phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang đến tòa án ngày 24/8 với tư cách là người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đáng chú ý, mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ba ông này, trong đó ông Hà bị khai trừ Đảng, ông Sáng bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng và ông Lang bị cảnh cáo. Theo UBKT Trung ương, ông Hà đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án này.
Ngoài ra còn những cái tên cũng không thể không kể đến như ông Tạ Bá Long, cựu chủ tịch Ngân hàng Dầu khí (GPBank) và Đoàn Văn An, cựu phó chủ tịch nhà băng này. Trước khi bị NHNN mua 0 đồng vào năm 2015, ông Tạ Bá Long và người liên quan sở hữu đến 35% vốn của ngân hàng, còn ông Đoàn Văn An, Phó Chủ tịch HĐQT và nhóm liên quan sở hữu 55,32% vốn điều lệ. Cả hai ông này đều bị bắt giam trước đó, cuối năm 2017 bị tòa án đưa ra xét xử và tuyên phạt ông Long 5 năm tù, ông An 13 năm tù cùng về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại hơn 4.700 tỷ đồng xảy ra tại GPBank.
Hay như tại DongABank, cái tên Trần Phương Bình đã gắn với ngân hàng này hàng chục năm qua. Cựu Tổng giám đốc DongABank cùng nhiều cựu lãnh đạo của ngân hàng này đang bị bắt giam trong năm 2017 về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Phương Bình - nguyên là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng của Ngân hàng Đông Á, được xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại Ngân hàng Đông Á, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại tổng số tiền 3.405 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng các sai phạm của ông Bình là nguyên nhân dẫn đến việc Đông Á Bank lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.