"So với năm 2016, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự gia tăng về số lượng và chất lượng", ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Ban điều hành Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia) cho biết.
Có thể nói, từ nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự tham gia của đông đảo các tổ chức chính trị xã hội, trong những năm qua, hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã được hình thành tương đối toàn diện và đem lại những kết quả tích cực.
Số lượng các không gian làm việc tăng hơn 50% với khoảng 70 khu. Có khoảng 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước, cũng như gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam.
"Về chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì đang có sự cải thiện rõ rệt, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017", ông Quất cho biết.
Hiện Đề án 844 tiến hành tuyển chọn các tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năm 2020 (tổ chức chủ trì nhận hỗ trợ kinh phí), trong đó tập trung vào các đơn vị có chương trình thúc đẩy kinh doanh trong một số lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, phát triển mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp trong nước, quốc tế và mở rộng thị trường, kết nối vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Mở cửa hỗ trợ với Fintech, Medtech, Proptech
Proptech được coi là "vũ khí lợi hại" của Cenhomes, một dự án trực thuộc Cenland của Shark Hưng.
Tham gia Đề án, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được nhận hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án, kết nối chuyên gia về khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước, cũng như đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên nhiều khía cạnh. Nhưng đồng thời, đơn vị cũng được yêu cầu cần có những tiêu chí đánh giá cụ thể về kết quả của nhiệm vụ cũng như tác động của nhiệm vụ đối với văn hoá - kinh tế - xã hội.
Một trong những nhóm nhiệm vụ Đề án 844 tập trung là Đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST. Trong đó năm 2020, một số đối tượng cần đẩy mạnh hoạt động này là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để trở thành khách hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; các tập đoàn lớn (big corp) để có các hoạt động hỗ trợ, đầu tư, mua bán sáp nhập; các nhà khoa học để hình thành các dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; đại diện các Bộ, ngành để có thêm kiến thức và công cụ trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...
Nhóm nhiệm vụ khác của Đề án 844 là Hỗ trợ hoạt động của các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung, danh mục có nhiệm vụ trọng tâm mới là "Thúc đẩy kinh doanh theo lĩnh vực chuyên sâu cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST", trong đó mở ra cơ hội cho các hoạt động hỗ trợ theo các lĩnh vực như Medtech (Y tế), Fintech (Tài chính), Proptech ( Bất động sản),... nhưng cũng tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị nộp hồ sơ tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó, ngoài các nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có một nhiệm vụ mới về thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hướng tới hoạt động mua bán sáp nhập, trở thành công ty đại chúng được Đề án 844 khuyến khích triển khai.
Việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ và nhận hỗ trợ kinh phí từ Đề án 844 gồm 3 bước: Nộp hồ sơ đăng ký, Đánh giá thuyết minh, và Họp thẩm định kinh phí. Thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký là ngày 3/6/2019.