ByteDance, Trung Quốc
Định giá: 75 tỷ USD
Thành lập năm 2012, đến nay Bytedance (sở hữu ứng dụng TikTok) là một trong những công ty Internet hàng đầu tại Trung Quốc. Tháng 10/2018, Bytedance tuyên bố hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 3 tỷ USD từ SoftBank và một số nhà đầu tư khác, giúp công ty được định giá ở mức 75 tỷ USD. Từ thời điểm đó đến nay, Bytedance là startup giá trị nhất thế giới. (Ảnh: Getty Images)
Uber, Mỹ
Vốn hóa thị trường: 59,4 tỷ USD
Uber – công ty từng giữ vị trí startup giá trị nhất thế giới trong một thời gian dài - là một trong những doanh nghiệp được quỹ Tầm nhìn của SoftBank đổ nhiều vốn đầu tư nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, Uber liên tục đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh doanh thua lỗ, phải sa thải hàng loạt nhân viên vì đại dịch Covid-19. (Ảnh: Bloomberg)
Didi Chuxing, Trung Quốc
Định giá: 57,6 tỷ USD
Đối thủ của Uber, Didi Chuxing được thành lập năm 2012. Hoạt động của Didi Chuxing trải rộng trên hàng trăm thành phố tại Trung Quốc, bao gồm các dịch vụ gọi taxi, gọi xe cá nhân cùng nhiều tiện ích khác. (Ảnh: CNN)
Paytm, Ấn Độ
Định giá: 16 tỷ USD
Trong vòng gọi vốn gần nhất được tiết lộ cuối năm 2019, nền tảng thanh toán điện tử Paytm công bố huy động được 1 tỷ USD từ SoftBank, Ant Financial, Discovery Capital và một số nhà đầu tư khác. Vòng gọi vốn này cũng giúp Paytm được định giá 16 tỷ USD, trở thành startup giá trị nhất Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg)
Grab, Singapore
Định giá: 14,3 tỷ USD
Ứng dụng gọi xe giá trị nhất Đông Nam Á này do Anthony Tan và Hooi Ling sáng lập năm 2012 tại Malaysia với tên gọi ban đầu MyTeksi. Năm 2014, GrabTaxi chuyển trụ sở chính sang Singapore. Đầu năm 2016, công ty đổi tên thành Grab. Ngoài dịch vụ gọi taxi, hiện công ty mở rộng ra các dịch vụ khác từ gọi xe cá nhân, xe ôm, giao hàng, giao đồ ăn, thanh toán di động… (Ảnh: Bloomberg)
DoorDash, Mỹ
Định giá: 13 tỷ USD
DoorDash là công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn được thành lập từ năm 2013 tại Mỹ. Tháng 5 năm ngoái, DoorDash công bố huy động thành công 600 triệu USD, định giá công ty ở mức 12,6 tỷ USD. Đến tháng 11 cùng năm, kỳ lân này được rót thêm 100 triệu USD, nâng mức định giá lên gần 13 tỷ USD. (Ảnh: Bloomberg)
OYO, Ấn Độ
Định giá: 10 tỷ USD
Chuỗi khách sạn OYO ra đời năm 2013. Phương thức hoạt động của công ty là hợp tác với các khách sạn không có thương hiệu để cải thiện chất lượng phòng, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu cho khách sạn này bằng tên OYO, và hưởng phần trăm doanh thu của các khách sạn tham gia mạng lưới. Ngay đầu năm 2020, startup này đã công bố sa thải hàng nghìn nhân sự tại Ấn Độ và Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Coupang, Hàn Quốc
Định giá: 9 tỷ USD
Coupang ra đời năm 2010, là nhà bán lẻ online lớn nhất Hàn Quốc, được ví như "Amazon của xứ sở kim chi". Năm 2015, SoftBank đầu tư cho Coupang 1 tỷ USD, định giá doanh nghiệp ở mức 5 tỷ USD. Cuối năm 2018, startup này tiếp tục huy động thành công 2 tỷ USD từ quỹ đầu tư của Masayoshi Son, nâng mức định giá lên 9 tỷ USD. (Ảnh: Coupang)
Tokopedia, Indonesia
Định giá: 7 tỷ USD
Tokopedia là sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, được thành lập năm 2009 bởi William Tanuwijaya và Leontinus Alpha Edison. Công ty nhanh chóng phát triển nhờ xu hướng sử dụng di động thông minh, mua sắm trực tuyến tại Indonesia. (Ảnh: Tokopedia)
WeWork, Mỹ
Định giá: 2,9 tỷ USD
WeWork là một trong những kỳ lân được SoftBank "chống lưng" tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất. Từ mức định giá 47 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao, startup cung cấp không gian làm việc chung này hiện chỉ còn giá trị 2,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhà đồng sáng lập và cựu CEO của WeWork, Adam Neumann, còn đệ đơn kiện SoftBank sau khi tập đoàn này hủy thỏa thuận mua lại cổ phần của anh và các cổ đông khác trị giá 3 tỷ USD. (Ảnh: Bloomberg).