1 / Châu Âu tăng lãi suất cao kỷ lục
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lần thứ 2 liên tiếp vào thứ Năm (8/9) trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khu vực buộc phải ưu tiên số một cho việc chống lại lạm phát đang cao kỷ lục trước khi các điều kiện kinh tế trở nên xấu đi hơn nữa.
ECB đã khiến nhiều người ngạc nhiên vào tháng 7 khi tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, cao hơn dự kiến và là động thái tăng mạnh mẽ nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ, đưa lãi suất tái cấp vốn lên 0,50%.
Nhưng rõ ràng đó mới chỉ là bước khởi đầu, khi lạm phát trong khu vực đồng euro đang ở mức cao gấp hơn bốn lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương, đạt mức kỷ lục 9,1% vào tháng trước, nguy cơ tiến nhanh tới mức 2 côn số.
Băn khoăn của thị trường lúc này là ECB sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 50 điểm nữa, hay lựa chọn mạo hiểm hơn, tăng 75 điểm cơ bản?
Một số nhà phân tích (chẳng hạn như Goldman Sachs) mong đợi điều này xảy ra, trong khi một số quan chức ECB tin rằng động thái tăng 75 điểm cơ bản cần phải được thảo luận kỹ.
Thành viên hội đồng quản trị ECB, Isabel Schnabel, cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương có nguy cơ mất lòng tin của công chúng và phải hành động mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi điều đó kéo nền kinh tế của họ vào suy thoái.
ECB sắp tăng mạnh lãi suất lần thứ 2 liên tiếp.
2 / Thị trường dầu thô biến động mạnh
Thị trường dầu vốn đang biến động rất mạnh có thể chứng kiến một đợt rung chuyển khác bắt nguồn từ cuộc họp vào thứ Hai (5/9) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+).
Cuộc họp của OPEC+ đang rất được chú ý sau khi Saudi Arabia gần đây đưa ra khả năng cắt giảm sản lượng.
Chi phí năng lượng tăng cao trong năm nay đã gây khó khăn cho các nền kinh tế toàn cầu khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Giá dầu đã có sự điều chỉnh giảm trong mùa hè giữa bối cảnh không chắc chắn về nhu cầu nhiên liệu, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giá tham chiếu cửa mặt hàng dầu – giá dầu Brent – đã giảm còn khoảng 93 USD/thùng vào cuối tuần qua, từ mức 105 USD/thùng hôm đầu tuần (thứ Hai, 29/8).
Giá dầu thô trở nên biến động rất mạnh.
3 / Một "danh sách việc cần làm" chờ đợi Thủ tướng mới của Anh
Ai sẽ là Thủ tướng mới của Anh? Kết quả sẽ được công bố vào thứ Hai (5/9) sau cuộc tranh cử kéo dài gần hai tháng để chọn người kế nhiệm oong Boris Johnson trở thành lãnh đạo của Đảng Bảo thủ cầm quyền.
Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng sau một chiến dịch đầy hứa hẹn với cam kết sẽ cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối thủ của bà, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, đã cáo buộc bà đưa ra các cam kết chính sách không có nguồn vốn sẽ gây ra lạm phát và đe dọa tài chính công của Anh.
Bất cứ ai lên ngôi lãnh đạo nước Anh sẽ phải đối mặt với một trong những bối cảnh kinh tế khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Anh đang tăng lãi suất nhanh chóng để kiềm chế lạm phát gia tăng, cũng như nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái – Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo sẽ kéo dài đến năm 2024.
Bên cạnh các vấn đề bao gồm giải quyết các hóa đơn năng lượng tăng cao, tân Thủ tướng sẽ muốn trấn an thị trường tài chính. Trái phiếu chính phủ Anh đã trải qua tháng 8 tồi tệ nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được ghi nhận, và đồng bảng Anh gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2,5 năm do các nhà đầu tư bán phá giá tài sản của Anh, lo ngại rằng đất nước đang gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các nơi khác trên thế giới.
Trái phiếu chính phủ Anh bị bán tháo.
4 / Cuộc đua tăng mạnh lãi suất vẫn tiếp diễn
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nữa vào thứ Ba (6/9) trong nỗ lực kiềm chế lạm phát – hiện đang cao nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ.
RBA đã tăng lãi suất hàng tháng kể từ tháng 5, nhưng các nhà hoạch định chính sách của RBA cũng như các nhà phân tích và nhà đầu tư đều đồng ý rằng việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 90 vẫn cần thiết.
Ngay từ đầu, Ngân hàng trung ương Úc đã phạm sai lầm nghiêm trọng: Thống đốc Philip Lowe đã sớm nói rằng chi phí đi vay sẽ không cần tăng cho đến năm 2024.
Mọi thứ sau đó đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng cuộc chạy đua tăng lãi suất đã không tạo được nhiều tác dụng để thúc đẩy tăng đồng đô la Úc, vốn đang ở gần mức thấp nhất trong sáu tuần so với đồng bạc xanh
Trong khi đó, ngân hàng trung ương của Canada được cho là sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn nữa vào thứ Tư (7/9).
Các ngân hàng trung ương đang tăng mạnh lãi suất
5 / Nền kinh tế Mỹ đang ra sao khi nhìn từ góc độ ngành dịch vụ
Các nhà đầu tư đang muốn biết lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng tới sẽ nhận được một loạt dữ liệu kinh tế đến từ cường quốc số 1 thế giới vào vào thứ Ba (6/9), khi Viện Quản lý Cung ứng (ISM) báo cáo kết quả khảo sát lĩnh vực dịch vụ hàng tháng của mình.
Chứng khoán Mỹ đã trải qua những ngày giảm giá sau thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole vào tháng 8 về chính sách "diều hâu", tỏ rõ việc ngân hàng trung ương Mỹ quyết tâm dốc toàn lực trong cuộc chiến chống lạm phát.
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế sắp tới, bắt đầu với chỉ số ISM, có thể định hình quan điểm về quỹ đạo lãi suất của Mỹ. Nếu các dữ liệu sắp tới cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ tiêp tục được củng cố thì gần như chắc chắn Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ nhất có thể.
Ngành dịch vụ của Mỹ đã bất ngờ tăng trưởng vào tháng 7, bổ sung vào dữ liệu cho thấy toàn cảnh một nền kinh tế đang ổn định bất chấp một số đợt tăng lãi suất lớn. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích kỳ vọng chỉ số ISM tháng 8 của Mỹ sẽ ở mức 54,8.
Triển vọng lạc quan về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ.
Tham khảo: Refinitiv