Một tháng mười hai đầy gian truân đã khép lại năm 2018 khiến các nhà đầu tư muốn lãng quên bởi giá của hầu hết mọi loại tài sản chính đều sụt giảm. Biến động thị trường năm 2018 đã đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa then chốt cho thị trường năm 2019.
Thị trường trái phiếu Mỹ quá ảm đạm?
Lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ có lẽ là loại lãi suất được theo dõi và có sức ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới, và tình trạng nhiễu loạn thị trường năm 2018 cho thấy các nhà đầu tư rất nhạy cảm với những biến động của loại lãi suất này. Trước khi đóng phiên vào cuối năm ngoái, thị trường trái phiếu trị giá 14 nghìn tỉ USD này đã hồi phục mạnh với lãi suất giảm do các nhà đầu tư thu nhập cố định dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ đi xuống sau khi chạm mức cao nhờ các yếu tố kích thích kinh tế.
Theo điều tra của Bloomberg, mặc dù lãi suất biến động mạnh vào tháng 11 và 12 và giảm xuống mốc 2,72%, nhìn chung, các nhà phân tích Phố Wall vẫn mong đợi lãi suất sẽ dừng ở mức 3,44% vào cuối năm 2019. Với những ai cho rằng không khí ảm đạm bao trùm thị trường vào cuối năm ngoái đã kết thúc, dự đoán này khá hợp lý.
Nếu kịch bản này xảy ra, sức mạnh của đồng đô la sẽ được tăng cường bởi các nhà đầu tư sẽ đầu tư mạnh tay hơn nhằm theo đuổi lợi nhuận tăng từ các tài sản của Mỹ, gây thiệt hại cho trái phiếu và cổ phiếu tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, dự đoán của các chiến lược gia phố Wall về giá trái phiếu thường khá bi quan trong những năm gần đây.
Một số người tin rằng thị trường trái phiếu đã đúng khi dự đoán nền kinh tế Mỹ trì trệ hơn. Theo họ, sau bốn lần tăng lãi suất trong năm 2018, FED có lẽ sẽ không tiếp tục điều chỉnh lãi suất. Với họ, câu hỏi quan trọng hơn cả là liệu đường cong lãi suất của Mỹ có đảo ngược. Đây được coil à một chỉ số khủng hoảng đáng tin cậy xảy ra khi lãi suất trái phiếu ngắn hạn tăng nhiều hơn so với trái phiếu dài hạn.
Các thị trường châu Âu sẽ xử lý ra sao vào cuối QE?
Trong khi thị trường kho bạc Mỹ sẽ nỗ lực hết sực nhằm định hướng cho các loại trái phiếu chính phủ khác, triển vọng nợ chính phủ tại châu Âu vẫn sẽ phụ thuộc vào quyết định chấm dứt chương trình mua trái phiếu euro nghìn tỉ của Ngân hàng Trung Ương châu Âu.
Do động thái mua vào của ECB từng giúp ép lãi suất, nên sự thiếu vắng khách hàng lớn này có thể gây ra áp lực tăng. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ rằng lãi suất tại một số quốc gia trong khu vực đồng tiền chung sẽ tăng đáng kể. Ban đầu, ECB sẽ tiếp tục tái đầu tư khoản tiền thu được từ nợ đáo hạn hiện có. Điều này đồng nghĩa với việc danh mục đầu tư của ECB sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 2,6 nghìn tỉ euro. Vị trí tài khóa cân bằng ở một số quốc gia cốt lõi tại khu vực đồng tiền chung, đặc biệt là Đức, tạo ra một lực lượng đối kháng tiềm năng khác đối với sự vắng mặt của ECB bởi nguồn cung nợ mới cho các nhà đầu tư sẽ bị hạn chế.
Với các nhà đầu tư thu nhập cố định châu Âu, hoạt động kinh tế của khu vực đồng tiền chung sẽ đóng vai trò quan trọng. Năm ngoái, hoạt động của khu vực đã gây nhiều thất vọng so với sự sôi nổi trong năm 2017. Nếu kỳ vọng phục hồi của các nhà kinh tế học biến mất do căng thẳng thương mại toàn cầu, Brexit rối ren hoặc mối quan hệ giữa chính phủ dân túy Italy và Brussels xấu đi, sẽ rất khó để tìm ra những yếu tố xúc tác giúp lãi suất tại Đức tăng lên.
Tuy nhiên, nền kinh tế trì trệ tại khu vực đồng tiền chung vẫn có thể tạo ra một động lực khác cho các quốc gia muốn bán khoản nợ mới lớn sau khi bất hòa với Brussels trong năm vừa qua về kế hoạch chi tiêu. Các nhà đầu tư trái phiếu cũng có thể gặp khó khăn do cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng năm.
Liệu chứng khóa Mỹ sẽ có "chiến thắng cuối cùng"?
Trong năm ngoái, chứng khoán Mỹ biến động mạnh. Đầu năm 2019, câu hỏi then chốt đặt ra cho các nhà đầu tư là liệu chứng khoán Mỹ đã chạm đỉnh trong chu kỳ kinh tế này hay chưa. Ngay cả nếu câu trả lời là đã chạm, liệu thị trường vẫn sẽ biến động trong quý một và khiến các nhà quản lý quỹ đau khổ nếu bỏ lỡ?
Các chiến lược gia cổ phiếu tại Barclays cho biết họ có hai kịch bản. Kịch bản cơ bản là chiến thắng cuối cùng [cho cổ phiếu] và sau đó là một đợt bán tháo cuối cùng khi khủng hoảng xảy ra sau hai năm. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra kịch bản thay thế; trong đó, cổ phiếu đã chạm đỉnh và sẽ tiếp tục giảm trước khi khủng hoảng xảy ra.
Nguy cơ vĩ mô rất nhiều và phổ biến: FED đình trệ nền kinh tế thông qua tăng lãi suất lên mức quá cao, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hoặc tăng trưởng nhẹ bên ngoài nước Mỹ ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Theo David Donabedian, giám đốc đầu tư tại Công ty Quản lý Tài sản Tư nhân CIBC, cho biết những nguy cơ trên là xác đáng nếu chúng ảnh hưởng tới một yếu tố quan trọng: tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp. Theo FactSet, các nhà phân tích phố Wall hi vọng lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 sẽ tăng 8,3% trong năm 2019 (tính theo thu nhập trên mỗi cổ phần), giảm nhiều so với mức mong đợi 20,5% trong năm 2018.
Một cuộc tranh luận tương tự cũng diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nơi các nhà đầu tư cho trái phiếu cấp đầu tư và trái phiếu lãi suất cao đã thất thu trong năm 2018. Một số nhà quản lý quỹ đã nhận ra cơ hội.
Liệu đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm?
Diễn biến của đồng nhân dân tệ vẫn là một quân cờ khó đoán với các nhà đầu tư toàn cầu. Với những ai tin rằng số liệu GDP chính thức đã khuếch trương sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, họ tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục để đồng nhân dân tệ giảm giá trong năm 2019.
Raymond Ma, một nhà quản lý quỹ tại Fidelity International, cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường hoạt động kém hiệu quả nhất trong năm 2018, vẫn tiếp tục căng thẳng. Việc đạt thành một thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và Washington cũng đóng vai trò quan trọng trong vận mệnh của đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, hầu hết các chiến lược gia ngoại tệ đều đồng thuận rằng đồng đô sẽ yếu dần trong năm 2019 do chính sách tiền tệ bắt đầu chuyển hướng có lợi cho các tiền tệ khác như euro; tuy nhiên, nhiều chiến lược gia không mong đợi sự suy giảm này sẽ tác động xấu tới đồng nhân dân tệ.