Lan đột biến gây sốt tại thị trường Việt Nam với những thương vụ giao dịch vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng nhưng phía sau nó là sự thật không phải ai cũng biết.
Nhiều chuyên gia sành chơi lan đột biến cho biết, không phủ nhận lan đột biến quý hiếm, có thể biến giấc mộng làm giàu của nhiều người trở thành sự thật. Nhưng với những người không am hiểu hoặc ít kiến thức, thiếu thận trọng, nó dễ trở thành cạm bẫy.
Định giá mơ hồ, mua bán tự phát
Ngoài những dòng lan thường có giá chung khoảng 200.000 đồng/cm thì giá trị một cây lan đột biến lại cao hơn thế rất nhiều lần. Tuy vậy, theo giới chơi lan, chỉ những người am hiểu mới biết chính xác giá trị thực của mỗi giò lan. Bởi giá của chúng phần lớn do người bán tự định giá.
"Người bán đưa ra giá bao nhiêu thì giá trị của giò lan là bấy nhiêu. Không phải ai cũng có kiến thức để thẩm định xem giá đấy có chuẩn hay không? Ngoài ra, những yếu tố được cho là quyết định giá trị của lan cũng không phải ai cũng biết cách nhìn nhận, đánh giá. Chính vì giá mơ hồ nên người mua dễ mua phải sản phẩm kém giá trị hoặc không đắt như được quảng cáo", anh Thế Anh, chủ một vườn lan lớn ở Bình Phước chia sẻ.
Anh Thế Anh phân tích, đành rằng lan đột biến là quý, là hiếm nhưng giá lên đến vài tỷ đến cả trăm tỷ đồng thì chưa sản phẩm đầu tư nào trước nay đạt được. Thế mà nhiều chủ lan vẫn "hét" giá đấy và cũng không ai phản biện được. Vì "thuận mua - vừa bán", ai đồng tình thì xuống tiền mua, ai không ưng giá thì bỏ qua.
Một người chơi lan chuyên nghiệp ở Hà Nội giải thích, lan đột biến hoàn toàn phát xuất từ lan rừng. Thị trường lan lâu nay ổn định, giới chơi lan có quy ước riêng, giá trị của lan thế nào người chơi lan biết rõ. Bất cứ chi lan nào cũng có lan đột biến nhưng phổ biến nhất là dòng lan Phi Điệp do có tỷ lệ đột biến nhiều hơn. Để có 1 mặt hoa đột biến cực kỳ khó, trong 1.000 cá thể họa hoằn mới có 1 - 2 cá thể xuất hiện đột biến. Vì thế, giá trị của lan đột biến vẫn còn là ẩn số, chưa ai có thể thẩm định. Nhưng không phải hoa đột biến nào cũng đẹp và có giá trị. Chỉ có những mặt hoa có thẩm mỹ cao, độc, lạ, được giới chơi lan thừa nhận mới có giá trị cao. Cụ thể như cây số 1 Việt Nam hiện nay là Phan Trí (lan Kiếm) chiều dài 5cm, giá dao động khoảng 400 triệu đồng; cây Xanh Huế (lan Kiếm) dao động 100 triệu đồng/thân; các cây Vị Hoàng Nam Định (lan Kiếm vàng) hay Vàng Tây Ninh (lan Kiếm vàng) 10 - 15 triệu đồng/cây…
"Các cây lan đột biến giá trị tiền tỷ giới thiệu trên các trang mạng chắc chắn là bất thường, không có cơ sở", anh này nói.
Tuy giá lan đột biến rất khó thẩm định đúng - sai nhưng nhiều người do ham lợi nhuận lại vẫn quyết định xuống tiền đầu tư. Điều đáng nói là giao dịch mua bán lan thường là tự phát, tự thỏa thuận giữa hai bên nên người mua phải chấp nhận "ăn trái đắng" nếu mua phải hàng kém chất lượng hoặc thậm chí rơi vào cảnh bị lừa đảo. Bởi những giao dịch này không mang tính pháp lý nên không được pháp luật bảo vệ.
Khôn lường kịch bản thổi giá
Giá trị lan đột biến được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý chính là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết xuống tiền.
Theo anh Thế Anh, thị trường lan thời gian qua bị chi phối bởi một số đầu nậu lớn. Họ làm theo những kế hoạch bài bản để đánh vào lòng tham của nhiều người nuôi mộng kiếm tiền quá nhanh và quá dễ.
Kịch bản phổ biến nhất là những người này muốn rao bán một sản phẩm nào thì sẽ tự thống nhất và đẩy giá lên. Sau khi thỏa thuận với nhau, họ sẽ tiến hành giao dịch hoặc cho người của mình đứng ra mua. Sự kiện giao dịch thường rất hoành tráng, mời rất đông khách đến tham gia, chứng kiến. Họ đặt tiền mặt mệnh giá lớn đầy trên bàn, rồi livestream, chụp hình, quay phim để đưa lên mạng. Những hình ảnh xa xỉ này chắc chắn sẽ kích thích người mua, nhất là những người muốn "lướt sóng" để kiếm lời từ tiền chênh lệch.
Sau đó một thời gian, các sự kiện mua bán chính cây lan đó lại được diễn ra với số tiền được công khai là cao hơn trước hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng chỉ sau vài ba tháng.
"Họ muốn rao giá bao nhiêu cũng được vì người bên ngoài không có cơ sở nào để so sánh giá đắt hay rẻ", anh Thế Anh nói.
Cũng từ mạng xã hội, họ gắn cho lan đột biến không ít cái tên mỹ miều như “Hồng Liên Anh”, “Bạch Tuyết”, “Hồng Yên Thuỷ”, “Phi điệp 5 cánh trắng”... gắn liền với những thương vụ bạc tỷ, bạc chục tỷ khiến nhiều người không khỏi tò mò, hứng thú.
Kịch bản thứ hai là họ vẽ nên những nhân vật "ảo" đổi đời từ "kênh đầu tư" lan đột biến. Những người này sẽ một tấc thành tỷ phú, nắm giữ cả đống tài sản chỉ nhờ mua lan. Những ai ham làm giàu sẽ coi đây là tấm gương người thật việc thật để học hỏi, đua theo. Có thể kể đến cuộc giao dịch thành công giò lan phi điệp đột biến có tên "Bướm đại ngàn" với giá 1,1 tỷ đồng. Sau đó không lâu, giò lan này được rao với giá mới: 100 tỷ đồng.
Một kịch bản thổi giá lan đột biến bị cơ quan công an chỉ mặt điểm danh đó là nhiều đối tượng bỏ tiền thuê đất, thuê nhà dựng vườn lan hoành tráng, thuê những người tự xưng là có "số má” trong giới chơi lan để họ tự nhận xét, định giá, phân tích một cách "khách quan" về sản phẩm, từ đó tạo niềm tin với khách hàng. Những con số mà "chuyên gia" đưa ra đều là "trên trời" và thường chỉ có tăng chứ không giảm.
Dễ dàng đánh tráo, làm giả, lừa đảo
Theo anh Thế Anh, lan đột biến quý hiếm và khó tìm, tuy nhiên nó lại dễ bị làm giả nhất. Nguyên nhân là vì không ai biết rõ thế nào là lan đột biến, cũng không phải ai cũng có chuyên môn để phân biệt giữa thật và giả. Hơn nữa, mỗi sản phẩm được quảng cáo là lan đột biến thường được đặt cho những biệt danh "nổi như cồn" và đi kèm những câu chuyện bí ẩn, những lời đồn thổi gây tò mò về nguồn gốc hay giá cả...
Hồi đầu tháng 7/2021, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, tạm giam Quách Văn Hải (SN 1992) và Trịnh Hải Nam (SN 2002) đều ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã mua những loại hoa lan bình thường rồi giả làm lan đột biến để bán, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của bị hại.
Bằng thủ đoạn sử dụng ảnh, clip về hoa lan đột biến thật tìm kiếm được trên mạng sau đó rao bán bằng giá bán của lan đột biến rồi giao bán hàng giả, các đối tượng đã lừa bán 38 cây lan đột biến gen giả cho 7 bị hại và chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Việc lừa bán cây giả chỉ là một trong những chiêu trò mà các kẻ lừa đảo sử dụng để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin mua hàng qua mạng. Ngoài ra, họ còn có những chiêu trò “cao cấp” hơn để qua mặt những khách hàng mua trực tiếp.
Trả lời PV VTC News, chủ một vườn lan tại Hoà Bình cho biết, kẻ lừa đảo thường có những chiêu trò rất đơn giản nhưng lừa “trúng đích”, đặc biệt là đối với những người mới chơi, chưa hiểu biết nhiều về lan.
Cụ thể, kẻ gian có thể dùng keo 502 để gắn hoa, gắn lá thậm chí là gắn cả thân lan để lừa người mua. “Đối với những người thiếu kinh nghiệm thì tốt nhất là không mua cây của người lạ hoặc nên quyết định mua sau 4 ngày xem cây. Lúc này nếu là hàng gắn keo thì hoa cũng đã héo”, anh này tư vấn.
Anh Nguyễn Quang Diễn (SN 1982, tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) là một trường hợp bị lừa mất gần 300 triệu đồng vì giò lan đột biến gắn bằng keo 502. Cụ thể, tháng 9/11/2020 anh có thỏa thuận mua qua mạng facebook của một người tự xưng tên là Dũng ở Mỹ Đức, Hà Nội sử dụng tài khoản facebook “Anh Lanh Vườn Lan” 1 giò lan loại đột biến HO với giá 303 triệu đồng.
Anh Diễn nhận hàng vào buổi tối cùng ngày qua một chiếc taxi. Đến ngày 24/11/2020 anh Diễn phát hiện gốc giò lan đột biến là tác phẩm của keo 502. Anh Diễn tìm cách liên lạc với Dũng thông qua số điện thoại và nick facebook “Anh Lanh Vườn Lan”, nhưng không được.
Hay như một người dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) bị một số đối tượng lừa đảo mua lan đột biến với giá hơn 2 tỷ đồng. Hay một chủ vườn lan thuê một căn nhà rất khang trang ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) để lừa đảo bán hoa lan đột biến trực tuyến. Sau khi lừa được nhiều người với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhóm này đã "cao chạy xa bay".
(Theo VTC News)