Theo đánh giá của giới đầu tư, 3 khu vực bao gồm: vùng ven Hà Nội (tiêu biểu là 4 quận: Gia Lâm, Long Biên, Hoài Đức, Đông Anh); thị trường Vân Đồn (Quảng Ninh) và các tỉnh lẻ như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam… đang trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản phía Bắc. Kể từ thời điểm sau Tết, đặc biệt bước vào cuối tháng 2, bất động sản tại nơi đây đã chứng kiến cuộc leo thang về giá cả.
Trong hơn 1 tuần qua, Vân Đồn đã trở thành cái tên đầy sức hút trong danh mục của giới đầu tư. Câu chuyện môi giới kiếm hàng trăm triệu, hàng tỷ những ngày qua đang được lan truyền khắp thị trường. So với thời điểm trước Tết, giá đất tại Vân Đồn đang tăng từ 15 – 30%. Một số dự án đất nền có mức giá từ 20 – 28 triệu đồng/m2, cá biệt có một số nơi lên tới 35 - 45 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Tổng giám đốc Pland, sóng bất động sản Vân Đồn vẫn tiếp tục nhịp sôi động từ thời điểm địa phương này được phép mở lại hoạt động giao dịch. Các khu đô thị cũ như ở Thống Nhất, Vương Long gần cảng Cái Rồng hay dự án Phương Đông, dù quy mô lớn, nhưng dự án mở bán tới đâu, hết đất tới đó. Giá chênh lệch khá cao nhưng hàng vẫn đắt khách.
Trong khi đó, tại các vùng ven Hà Nội, điển hình như Gia Lâm, Long Biên, Hoài Đức, Đông Anh, giá đất cũng rục rịch tăng. Theo thống kê từ Sàn Môi giới bất động sản Hùng Vương Land, thời điểm sau Tết, giá đất tại các khu vực này tăng trung bình 20 – 30%.
Ông Quang Minh, Giám đốc Hùng Vương Land chia sẻ: "Đất tại khu vực Gia Lâm đang khá sôi động. Tại xã Đông Dư, cách đây ít ngày, ngay khi mở bán, các lô đất nền đều có khách đặt cọc giữ chỗ. Tuy nhiên, lượng cung đất nền vẫn còn khiêm tốn nên đất càng tăng giá".
Trong khi đó, đất dịch vụ tại khu vực xã An Khánh (Hoài Đức) trở thành "món hời" của các nhà đầu tư. Theo khảo sát của PV, giá đất dịch vụ tại một số thôn thôn An Thọ, Vân Lũng, Yên Lũng dao động từ 20 – 25 triệu đồng/m2 và có nơi lên tới 45 triệu đồng/m2.
Một trong những điểm đang hút dòng vốn mạnh, đó là bất động sản tỉnh lẻ. Theo nhận định của giới đầu tư, tiếp tục làn sóng dịch chuyển đầu tư về thị trường mới nổi từ năm 2018, bất động sản tỉnh lẻ vẫn là "món ăn quen" của nhiều nhà đầu tư.
Theo ông Ngô Văn Hải (Giám đốc Bắc Ninh Land), thị trường bất động sản tỉnh lẻ đang ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra "sân chơi" lựa chọn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đất nền vẫn được giới đầu tư ưa chuộng bởi biên độ lợi nhuận tại phân khúc này dao động trung bình từ 10 – 30%.
Đường mở đến đâu giá đất tăng đến đó
Ở đâu sốt đất, ở đó có nhà đầu tư Hà Nội
Với quan điểm "không bỏ trứng vào cùng một giỏ", ông Minh chia sẻ, ngoài trực tiếp đứng ra phân phối đất nền tại Gia Lâm, nhà đầu tư này cũng đang tìm kiếm săn lùng đất tại Vân Đồn và các tỉnh lẻ tại Hải Dương và Hưng Yên và Bắc Ninh. "Khi nhận được tin tốt từ thị trường như mở lại hoạt động giao dịch Vân Đồn, hay Sân bay quốc tế tư nhân Vân Đồn đi vào hoạt động, các nhà đầu tư đã phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội đổ về nơi đây. Ở các tỉnh lẻ, thị trường bất động sản không quá nhộn nhịp nhưng vẫn là điểm đầu tư lý tưởng, lâu dài".
Ông Thái Hòa (một nhà đầu tư Hà Nội) cũng tiết lộ: "Đa phần các nhà đầu tư đi săn đất đều đến từ Hà Nội. Tại các thị trường bất động sản như Vân Đồn, ngoài nhà đầu tư trong tỉnh còn có các nhà đầu tư mới đến từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam… Cứ ở đâu có tin tốt, ở đó sẽ xuất hiện tình trạng nhà đầu tư đổ xô vào gom hàng. Một cuộc đua săn lùng quỹ đất đẹp của các nhà đầu tư đang diễn giải".
Lý giải về sức hút của dòng đầu tư đổ mạnh vào thị trường bất động sản, ông Hòa phân tích: "Do giá đất tăng mạnh, trong khi đó lãi suất gửi tiết kiệm có xu hướng thấp hơn so với giai đoạn giáp Tết, nên người dân có khoản tiền tiết kiệm dự trữ cũng bắt đầu rót vốn làm ăn. Có lẽ bây giờ ai ai cũng trở thành nhà đầu tư. Nếu không có nhu cầu ở thực thì người dân lại thích mua hàng để đấy, đợi một thời gian, giá tăng rồi bán chênh".
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng khuyến nghị: "Tại Vân Đồn, cơn sốt đất đang diễn ra khá nhanh và mạnh. Có những dự án chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch 1/500 nhưng vẫn đắt khách mua, bất chấp các thủ tục hành lang pháp lý chưa có. Khi chính quyền có biện pháp thắt chặt trong giao dịch hoặc thị trường có biến động, rủi ro mà người mua đất không có tính an toàn về pháp lý sẽ rất lớn, có thể mất trắng nguồn vốn đầu tư".