Có rất nhiều doanh nghiệp đã đổ bộ lên cả 3 sàn giao dịch chứng khoán HoSE, HNX và Upcom trong năm 2018 vừa qua. Và trong số đó, có rất nhiều doanh nghiệp nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, cũng có những doanh nghiệp lên sàn và "án binh bất động" trong suốt cả năm trời.
Tổng công ty Thăng Long (TTL) được xem là doanh nghiệp "xông đất" lên sàn HNX trong năm 2018 vừa qua khi niêm yết hơn 41,9 triệu cổ phiếu từ 18/1/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn TTL giảm mạnh và duy trì giao dịch dưới mệnh giá đến cuối tháng 12 vừa qua mới đột ngột tăng lên đến 12.400 đồng/cổ phiếu và duy trì mức giá đó 23 phiên giao dịch gần đây.
Thanh khoản hầu như không có, giá giảm sâu, và báo lỗ 3,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018 là những gì mà Tổng Công ty Thăng Long đã trải qua trong 1 năm qua.
Ngay sau sự mở đầu không mấy thành công của Tổng công ty Thăng Long, CTCP X20 (X20) lên sàn ngày 5/2/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, X20 đạt đỉnh ở mức xấp xỉ 22.700 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), rồi sau đó giảm sâu và hiện giao dịch quanh mức 10.800 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu X20 rất thấp.
Tổng công ty Sông Đà (SJG) là doanh nghiệp thứ 3 xông đất sàn HNX năm 2018. Trước lúc lên sàn, phiên IPO Tổng công ty Sông Đà "ế" nặng khi gần 220 triệu cổ phần mang ra đấu giá mà nhà đầu tư chỉ mua hết chưa đến 0,3%, tương ứng 669.300 cổ phần.
Sau IPO, Tổng công ty Sông Đà đưa 669.300 cổ phiếu lên niêm yết trên HNX trên tổng số 450 triệu cổ phần của công ty theo vốn điều lệ. Từ mức giá chào sàn 11.100 đồng/cổ phiếu, đến nay SJG đã giảm gần một nửa, còn 6.300 đồng/cổ phần.
"Vận" còn đeo bám đến tận cuối tháng 3, khi Cảng Nghệ Tĩnh đưa hơn 21,51 triệu cổ phiếu NAP lên niêm yết trên HNX. Thanh khoản cổ phiếu NAP hầu như cũng không có, giá cổ phiếu NAP ngược lại tăng từ 10.000 đồng/cổ phiếu (giá chào sàn) lên 11.200 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Phải đợi đến đầu tháng 4/2018, khi Bất động sản Netland (NRC) đưa 12 triệu cổ phiếu lên niêm yết với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 21.000 đồng/cổ phiếu. NRC đã "phá dớp" thành công khi thanh khoản cổ phiếu khá ổn định, hàng chục ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Ngay khi lên sàn NRC đã có mạch 6 phiên tăng trần liên tiếp, đạt đỉnh ở mức 41.800 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), rồi sau đó giảm mạnh về xấp xỉ mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Hiện NRC đã tăng nhẹ lên mức 35.000 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ giá cổ phiếu tăng, kết quả kinh doanh của Netland cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu năm 2018 đạt 176,7 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 72,1 tỷ đồng, gấp 2,1 lần lợi nhuận đạt được năm 2017, nhưng cũng mới chỉ vượt nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Một trong những tân binh HNX năm 2018 khác cũng được nhà đầu tư quan tâm là Việt Tiên Sơn Địa ốc (AAV). Lên sàn hồi cuối tháng 6/2018, AAV đã âm thầm tăng giá từ mức chào sàn 12.200 đồng/cổ phiếu lên đến trên 28.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) hơn 2 tháng sau đó.
Tuy nhiên ngay sau đó là chuỗi ngày điều chỉnh giảm và cổ phiếu AAV đang duy trì mức giao dịch quanh vùng mệnh giá, thậm chí nhiều lúc còn xuống dưới mệnh giá một thời gian dài gần đây.
Trái với đà đi xuống của cổ phiếu, thì kết quả kinh doanh của Việt Tiên Sơn địa ốc lại tăng trưởng so với năm trước đó. Doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt 469,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 34,16 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với năm trước đó.
Năm 2018 được xem là năm ngành dệt may "dậy sóng" với loạt doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên Upcom. Tuy nhiên trên HNX thì ít hơn. Sau sự khởi đầu không mấy thuận lợi của cổ phiếu X20, thì một doanh nghiệp dệt may khác là CTCP Đầu tư và Phát triển TDT với vốn điều lệ hơn 80 tỷ đồng. TDT chào sàn HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu.
TDT khá khác biệt với một số doanh nghiệp ngành dệt may khác khi chọn hướng đi vốn nhỏ nhưng có chiến lược kinh doanh M&A các nhà máy khác nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, trở thành đơn vị quản lý các nhà máy. Ngay cả lãnh đạo TDT cũng trả lời thẳng thắn khi được hỏi vốn đâu để M&A là "mục tiêu đưa TDT lên sàn trong năm 2018 cũng nhằm huy động vốn dễ dàng hơn".
Tuy nhiên sau nửa năm lên sàn TDT vẫn chưa tiến hành tăng vốn điều lệ, giá cổ phiếu hiện giảm về giao dịch quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh, lợi nhuận năm 2018 đạt 20,6 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm trước đó.
Cổ phiếu HHP của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 20/9/2018 do chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2018. Giá cổ phiếu HHP đang duy trì giao dịch quanh mức 15.200 đồng/cổ phiếu.
Trong tháng 12/2018 sàn HNX còn đón nhận thêm 2 tân binh cuối cùng là CTCP Đầu tư công nghiệp XNK Đông Dương (DDG) và CTCP Cấp nước Gia Định (GDW), trong đó cổ phiếu GDW hầu như không có thanh khoản, rất ít cổ phiếu khớp lệnh sau gần 2 tháng lên sàn.
Ngược lại, cổ phiếu DDG đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp sau khi lên sàn, tăng từ mức 11.800 đồng/cổ phiếu giá chào sàn, và có lúc tăng đến 20.000 đồng/cổ phiếu, và hiện giảm nhẹ về mức 19.700 đồng/cổ phiếu.
Không "hot" như những cổ phiếu lên sàn HoSE trong năm 2018 vừa qua, những cổ phiếu tân binh của HNX năm 2018 cũng không để lại nhiều ấn tượng như những năm trước đó.
Năm 2019 đã bắt đầu, các sàn giao dịch chứng khoán đã mở cửa phiên giao dịch đầu tiên năm mới Kỷ Hợi, các nhà đầu tư đang chờ đón những doanh nghiệp đầu tiên "xông đất" các sàn.