Theo bài viết, dịch bệnh tuy đã ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 nhưng đồng thời dịch bệnh cũng đã mở ra những cơ hội mới liên quan đến sự phong tỏa và xu hướng làm việc tại nhà, từ xa trên thế giới để Việt Nam bứt phá nếu kịp thời nắm bắt các cơ hội này trên nền tảng kiềm chế tương đối thành công đại dịch.
Bài viết nhấn mạnh Việt Nam cũng đã nhận thức rõ những cơ hội này nên đã đặt ra những mục tiêu tham vọng cho nền kinh tế, như tăng gấp đôi GDP/đầu người vào năm 2030 so với năm 2020 (Ghi chú: nguyên văn trong bài viết là tăng gấp đôi GDP vào năm 2025), và đạt được vị thế là nước thu nhập cao vào năm 2045 từ vị thế hiện tại là nước thu nhập trung bình thấp.
Bên cạnh những mục tiêu kinh tế tổng quát nói trên, Việt Nam cũng đề ra những mục tiêu kinh tế cụ thể hơn như tăng cường cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế từ 42% lên 50%. Một mục tiêu khác là tiến lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị bằng cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng hơn.
Mặt khác, bài viết cũng chỉ ra những thách thức trong việc đạt được những mục tiêu tham vọng này, ngoài thách thức đến từ đại dịch vẫn chưa đến hồi kết vẫn đang gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế.
Trước hết, về mặt kỹ thuật, bài viết chỉ ra rằng để tăng gấp đôi GDP vào năm 2025 thì kinh tế Việt Nam cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng 9-10%/năm – là tốc độ mà theo bài viết là quá cao đối với Việt Nam.
Ngoài ra, theo bài viết, Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động kỹ năng cao, cơ sở hạ tầng cần cải thiện và các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả. Hơn nữa, các vấn đề địa chính trị như tâm lý bảo hộ mậu dịch đã quay trở lại ở nhiều nước gây trở ngại cho xuất khẩu của Việt Nam, cũng như thương chiến Mỹ-Trung cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực.
Trên thực tế, những thách thức trên không phải là một phát hiện mới trong con mắt của người nước ngoài đối với Việt Nam. Bởi bài viết cũng trích dẫn lời của lãnh đạo nước ta khi thẳng thắn chỉ ra những thách thức, trong đó có sự không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và sự tăng trưởng chưa bền vững của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, bài viết trở nên có ý nghĩa hơn khi trích dẫn chuyên gia nước ngoài hoài nghi liệu Việt Nam có sẵn sàng tiếp tục chương trình cổ phần hóa hay chưa trước khi dịch bệnh được khống chế để không còn ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nữa.
Vì chương trình cổ phần hóa là một phần của kế hoạch tăng cường vai trò của khu vực tư nhân nên bài viết dẫn ý kiến của các nhà phân tích cho rằng Việt Nam cần phải thúc đẩy cổ phần hóa đúng tiến độ. Các nhà phân tích cũng cho rằng mục tiêu tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân lên trên 50% có khả thi hay không còn phụ thuộc vào các giải pháp được triển khai để thu hút đầu tư.
Đối với mục tiêu tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị nhờ thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn, thách thức chủ yếu là sự thiếu hụt lao động có trình độ cao. Bài viết dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng Việt Nam cần không chỉ tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mà phải mở rộng phạm vi sử dụng số người tốt nghiệp này vì hiện tại phần lớn số người tốt nghiệp đại học làm việc trong khu vực công.
Trong khi tính chính xác của ý kiến này (cụ thể về tỷ lệ người tốt nghiệp đại học làm trong khu vực công) vẫn cần phải được kiểm chứng nhưng chúng ta có thể thấy quan ngại này cũng có phần xác đáng nếu xét đến tâm lý vẫn còn ưa chuộng khu vực công của nhiều người tốt nghiệp đại học. Điều này đã và tiếp tục tạo ra trở ngại cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam nếu không được khắc phục một cách căn bản.
Đối với thách thức từ sự bất cập của cơ sở hạ tầng, bài viết minh họa sự bất cập này bằng số liệu của Ngân hàng Thế giới mà theo đó tỷ lệ đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng trên GDP của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. Bài viết nhận định điều này ảnh hưởng đến khả năng cung cấp một cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo.
Với những thách thức và trở ngại nêu trên, bài viết cho rằng mặc dù các chuyên gia nước ngoài tin tưởng Việt Nam vẫn đang trong quỹ đạo tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng là điều bất trắc. Tốc độ tăng trưởng này cũng như việc đạt được các mục tiêu kinh tế tham vọng khác sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ xử lý các thách thức và trở ngại này hiệu quả như thế nào trong thời gian tới, bài viết kết luận.