Từng là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước
Là một phụ nữ trẻ tuổi sống tại một trong những thành phố có nền kinh tế trì trệ nhất Trung Quốc, Ma Yingge đã chấp nhận điều cô gọi là "foxi". Từ này nghĩa đen là Phật giáo, nhưng gần đây được giới trẻ đón nhận và định nghĩa lại thành "thái độ thờ ơ nói chung đối với sự nghiệp, xã hội và thậm chí là chính họ". Ma giải thích rằng nó có nghĩa là "không ép buộc bất cứ điều gì". Cô nói: "Tính cách tôi là như vậy. Tôi không đặt ra mục tiêu quá cao. Như thế sẽ rất mệt mỏi."
Quan điểm này rất phù hợp với một vùng nằm ở phía đông bắc Trung Quốc - Mãn Châu, một khu vực gồm 100 triệu người sinh sống trên vùng đất giao thoa giữa Triều Tiên, Nội Mông, Nga và Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc được cả thế giới biết đến là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thần kỳ, thì quê nhà của Ma - thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ và hàng chục địa điểm khác tương tự ở phía đông bắc đã chứng kiến tình trạng kinh tế giảm tốc và một vài nơi là sự suy thoái hoàn toàn.
Ma - nữ y tá sống tại Tề Tề Cáp Nhĩ.
Vùng đất này từng là khu vực phát triển mạnh nhất cả nước vào những năm 1950 đến 1970. Từ đầu những năm 2000, đầu tư cơ sở hạ tầng và tài sản trên toàn quốc đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp nặng phát triển, cùng lúc tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ - một quá trình được thúc đẩy bởi chính sách kích thích khổng lồ của chính phủ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, đến năm 2015, ngay cả số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng ở phía đông bắc đạt mức dưới 5%. Một trong 3 thành phố ở khu vực này đã chứng kiến GDP sụt giảm 1% - điều chưa từng thấy ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến khu vực này đó là các công ty làm ăn bết bát, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và đầu tư quá mức vào ngành công nghiệp nặng - cho thấy những thách thức mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi họ đang nỗ lực từ quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia phát triển.
Những hệ luỵ của quá trình co hẹp
Tề Tề Cáp Nhĩ đang trở thành một mô hình thu nhỏ của những thay đổi nhanh chóng sau thời kỳ tăng trưởng. Thành phố này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng suy thoái trong khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 2% mỗi năm từ năm 2013 đến 2017 (mức trung bình quốc gia là 7%). Điều này đã dẫn đến tình trạng người trẻ rời bỏ quê hương. Như những người khác sống ở vùng đông bắc, giờ đây họ sinh sống và làm việc ở khắp Trung Quốc. Từ năm 2014, dân số của Tề Tề Cáp Nhĩ giảm từ 5,5 triệu người xuống còn 5,3 triệu người.
Ma, hiện đang làm y tá, chia sẻ: "Hầu hết các bạn cùng lớp của tôi đã rời khỏi nơi này để tìm kiếm nguồn thu nhập cao hơn. Nhiều người không quay trở lại."
Một ngôi nhà bỏ hoang ở Nghi Xuân, Hắc Long Giang.
Dù lợi thế của tốc độ đô thị hoá nhanh chóng ở Trung Quốc là không thể chối cãi, nhưng quốc gia này hiện có tới 938 thành phố cũng đang co hẹp như Tề Tề Cáp Nhĩ, hầu hết nằm ở phía đông bắc. Con số này lớn hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Những hệ luỵ về nhân khẩu học, đặc biệt là dân số già có tỷ lệ ngày càng cao, cho thấy một viễn cảnh tương lai của Trung Quốc. Khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, bất chấp chính phủ đã dỡ bỏ chính sách "một con", Bắc Kinh dự đoán rằng dân số nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, tỷ lệ thanh niên sẽ sụt giảm nhanh chóng.
Sự thay đổi về nhân khẩu học còn có thể nhìn nhận rõ ở thị trường bất động sản - một lĩnh vực khác ở vùng đông bắc có thể phát đi tín hiệu cảnh báo cho các khu vực còn lại ở Trung Quốc. Tại Tề Tề Cáp Nhĩ, đầu tư bất động sản - trụ cột của hoạt động kinh tế, bắt đầu đi xuống vào năm 2015, khi dân số giảm dần và tình trạng nhà ở dư thừa trở nên rõ ràng.
Các công ty nhà nước lần lượt vỡ nợ
Nếu một nhóm các kinh tế gia phải tìm ra ví dụ về các vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, thì không còn lựa chọn nào hợp lý hơn là quận Phú Lạp Nhĩ Cơ của Tề Tề Cáp Nhĩ. Là quê hương của khoảng 300 nghìn người, trong những thập kỷ gần đây, nơi này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào 4 công ty nhà nước.
Đứng đầu trong 4 công ty này là China First Heavy, một nhà sản xuất thép và máy móc được thành lập năm 1954 theo kế hoạch "5 năm" lần thứ nhất của Trung Quốc. Đầu những năm 2000, vị chủ tịch đầy tham vọng của công ty này đã khuyến khích việc mở rộng sản xuất dựa trên một khoản đi vay khổng lồ. Khi đó, nhu cầu cho các sản phẩm gia tăng, tiền lương tăng vọt lên gấp 3 là 6.000 NDT/tháng - cao hơn mức trung bình quốc gia, trong thập kỷ đó tới năm 2012.
Các doanh nghiệp lớn khác của khu vực, trong đó có một nhà máy thép, nhà máy hoá chất và nhà máy nhiệt điện than, cũng phát triển mạnh mẽ. Việc người dân sở hữu một chiếc xe hơi là rất phổ biến, dù trước đây lại là điều hiếm thấy. Chuỗi đồ ăn nhanh KFC đã mở một cửa hàng vào năm 2008.
Sau đó, năm 2014, "bóng ma" suy thoái đã kéo đến. Cuộc khủng hoảng thừa thép xảy ra và sự suy thoái theo chu kỳ tại thị trường bất động sản đã khiến giá thép sụt giảm đến mức rẻ tương đương như cây bắp cải.
Không lâu sau, 2 trong số 4 "trụ cột" kinh tế của Tề Tề Cát Nhĩ đã vỡ nợ và phá sản.
Cựu chủ tịch của CIFH, Wu Fusheng.
Những năm tháng này tại vùng đông bắc đã xảy ra một loạt những bất ổn. Năm 2016, tại thành phố Song Áp Sơn, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào một mỏ than duy nhất, hàng ngàn người dân đã tràn ra đường biểu tình trong nhiều ngày để yêu cầu được trả lương. Cuối năm đó, chủ tịch của China First Heavy, Wu Fusheng, đã tự tử.
Hơn 3 năm trôi qua, đường phố Phú Lạp Nhĩ Cơ là một loạt những cửa hàng và văn phòng bị bỏ trống. Các khu căn hộ hầu hết đều đã cũ và xuống cấp. Ngành kinh doanh duy nhất cho thấy các dấu hiệu cần người làm là những công ty sản xuất sản phẩm phục vụ người cao tuổi, bán xe lăn và máy trợ thính.
Live stream giúp giải quyết vấn đề về kinh tế
Dù tình hình kinh tế của khu vực này phát đi những tín hiệu đáng lo ngại cho những nhà lãnh đạo Trung Quốc, thì cũng xuất hiện một vài dấu hiệu nhen nhóm niềm hy vọng.
Trên toàn quận, những tấm áp phích được chăng đầy đường với dòng chữ: "Những người vợ, những người mẹ, những nghệ sĩ, cơ hội của các bạn là đây!", hứa hẹn thu nhập hàng tháng sẽ là trên 10 nghìn NDT cho những "streamer trực tuyến". Công ty đằng sau khẩu hiệu này là MV Media.
"Live stream" ở Trung Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của internet. Những "streamer", hầu hết là phụ nữ trẻ tuổi, ngồi trước camera hát và trò chuyện với người hâm mộ, đã thu hút hơn 400 triệu người dùng trên các nền tảng này. Người dân khu vực đông bắc cũng tận dụng được những lợi thế đó.
Một khách sạn bị bỏ hoang tại Cát Lâm.
Nhà sáng lập của MV Media, Liu Junzhe, nói: "Điều kiện kinh tế ở đây không tốt, các ngành công nghiệp khác đang gặp khó khăn. Nhưng chúng tôi lại trụ vững. Đây là điều mà người dân vùng đông bắc làm rất tốt. Live stream có thể giúp giải quyết một số vấn đề về kinh tế của chúng tôi."
Những công việc mới được tạo ra từ ngành dịch vụ cho thấy rằng tình trạng bất ổn phần nào đã được hạn chế. Wu Yue, 25 tuổi, một phụ nữ sử dụng ứng dụng quay video để quảng cáo cho cửa hàng quần áo của mình, chia sẻ: "Có rất nhiều cơ hội trong việc bán hàng."
Một hình thức đô thị hoá vẫn đang diễn ra ở đây: khi những người trẻ có học thức hơn đi đến những nơi khác, nhiều người từ vùng nông thôn và có gia đình làm nông lại đang đang tràn vào thành phố, thường là những người đang theo học cao trung hoặc đại học.
Wu nói: "Nhận thức của mọi người đang thay đổi. Trước đây, những gia đình ở nông thôn không khuyến khích con em họ học cao hơn mức cơ bản." Không chỉ thái độ đối với giáo dục đang thay đổi. Những người trẻ còn muốn làm việc để thể hiện đúng giá trị và lợi ích của họ. Chọn nghề theo yêu cầu của phụ huynh giờ chỉ là miễn cưỡng, họ muốn ra ngoài khám phá thế giới chứ không phải làm một công việc tay chân đơn thuần.
Còn Ma thì ngược lại, cô kiếm được 4.000 NDT mỗi tháng từ công việc "streamer". Bạn bè và gia đình đều khuyên Ma nên rời quê hương và tìm một công việc khác, nhưng cô nói: "Rời đi kéo theo những rủi ro. Ai cũng muốn thành công, nhưng bạn có thể thất bại. Nên tôi quyết định ở lại. Cuộc sống ở đây không áp lực như ở những thành phố lớn."