Mức hưởng lương hưu tối thiểu tăng từ ngày 1/7/2023
Theo Khoản 5, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ bằng mức lương cơ sở.
Do đó, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1/7/2023 nên mức hưởng lương hưu tối thiểu sẽ tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.
Tăng 12,5% lương hưu từ ngày 1/7/2023
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2022, ngoài việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng thì còn tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động như sau:
- Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Như vậy, năm 2023, trong điều kiện lao động bình thường, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi.
Ví dụ: Lao động nam sinh vào tháng 7/1962 làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ được nghỉ hưu vào tháng 5/2023. Lao động nữ sinh vào tháng 5/1967 làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ được nghỉ hưu vào tháng 6/2023.
Bên cạnh đó, người lao động thuộc trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn so với độ tuổi quy định.
Trường hợp được về hưu sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu thông thường
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các trường hợp người lao động đã nghỉ việc và đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên được về hưu sớm, hưởng lương hưu hằng tháng:
- Người lao động từ 50 - 55 tuổi đã làm công việc khai thác than trong hầm lò đủ 15 năm.
- Người nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Nam từ 55 - 60 tuổi, nữ từ 50 - 55 tuổi có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
- Người có 15 năm làm ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Nam 55 tuổi và nữ 50 tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Các trường hợp này đều phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội mới được nghỉ hưu sớm.
Cũng theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ làm chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có từ 15 - 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi có thể về hưu sớm và hưởng lương hưu hằng tháng.
Trường hợp nghỉ hưu muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu thông thường
Như đã nói ở trên, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nghị định 50 ngày 2/8/2022 của Chính phủ nêu rõ viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ hoặc tương đương, giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, viên chức có chuyên môn kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực đặc thù sẽ nghỉ hưu muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu thông thường.
Lưu ý, thời gian nghỉ hưu muộn hơn tối đa là 5 năm, trong trường hợp đơn vị có nhu cầu và viên chức có đủ sức khỏe. Trong thời gian thực hiện tuổi hưu cao hơn, viên chức chỉ làm chuyên môn, không giữ chức vụ quản lý và không bảo lưu phụ cấp chức vụ.