Kết quả mới nhất của Forbes về Bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019 đã chỉ ra những kết quả rất thú vị.
Chỉ có ba công ty có giá trị thương hiệu trên 100 tỷ USD - và tất cả đều thuộc về lĩnh vực công nghệ. Sáu trong số bảy thương hiệu giá trị nhất là trong công nghệ.
Thương hiệu Apple (205,5 tỷ USD) có giá trị gấp gần bốn lần so với thương hiệu phi công nghệ có giá trị nhất là Coca-Cola (59,2 tỷ USD).
Danh sách 5 thương hiệu có giá trị nhất là không thay đổi so với năm ngoái, và những công ty đó đều thuộc lĩnh vực công nghệ.
Trong số mười thương hiệu có giá trị hàng đầu, chỉ có hai sự thay đổi so với năm ngoái. McDonald, đã lọt vào danh sách ở vị trí thứ 10, thay thế AT & T (hiện ở vị trí thứ 11). Thứ hai, Amazon và Facebook đổi cho nhau vị trí thứ 4 và 5.
Với những thay đổi nhỏ về vị trí so với năm ngoái, điểm đáng chú ý nhất từ bảng xếp hạng này của Forbes là sự thống trị liên tục của các công ty công nghệ về giá trị thương hiệu.
Trong số 25 thương hiệu hàng đầu có giá trị nhất, 11 là về công nghệ, 3 về ô tô và chỉ có 1 về dịch vụ tài chính. Sự chênh lệch về giá trị giữa các công ty công nghệ cao và các công ty ở các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục gia tăng. 4 trong số 5 thương hiệu có lợi nhuận hàng đầu kể từ năm ngoái là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Amazon nói riêng đã có một năm đáng chú ý, với mức tăng giá trị lớn nhất trong số tất cả các thương hiệu. Mức tăng của nó đủ để đánh bại Facebook (người đã giảm 6% giá trị) để giành vị trí thứ 4. Về phần mình, Facebook là một trong hai công ty công nghệ (cùng với Huawei) bị mất giá trị thương hiệu kể từ năm ngoái, một phần do những tranh cãi đang diễn ra liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Dpple - với mức định giá hơn 200 tỷ USD, cho đến nay vẫn là thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghệ cũng như trên toàn cầu.
Có những dấu hiệu của sự phát triển trong sức mạnh thương hiệu của các công ty phi công nghệ. Các thương hiệu điển hình như Disney và Coca-Cola nằm trong top 10. Giá trị thương hiệu Gucci đã tăng hơn 24% vào năm ngoái, không tệ đối với một thương hiệu đã gần trăm năm tuổi.
10 thương hiệu hàng đầu thế giới có giá trị nhất năm 2019
1. Apple (Công nghệ): 205,5 tỷ USD
2. Google (Công nghệ): 167,7 tỷ USD
3. Microsoft (Công nghệ): 125,3 tỷ USD
4. Amazon (Công nghệ): 97,0 tỷ USD
5. Facebook (Công nghệ): 88,9 tỷ USD
6. Coca-Cola (Đồ uống): 59.2 tỷ USD
7. Samsung (Công nghệ): 53,1 tỷ USD
8. Disney (Giải trí): 52,2 tỷ USD
9. Toyota (Ô tô): 44,6 tỷ USD
10. McDonald (Nhà hàng): 43,8 tỷ USD
5 thương hiệu lớn có giá trị tăng mạnh nhất
1. Amazon (Công nghệ): + 37%
2. Netflix (Công nghệ): + 34%
3. Google (Công nghệ): + 27%
4. Adobe (Công nghệ): + 27%
5. Gucci (Sang trọng): + 24%
Những thương hiệu giá trị nhất kể trên đều không xa lạ với người Việt.
Apple, Samsung
Hiện tại Apple chiếm 7,4% thị phần thị trường điện thoại Việt Nam, trong khi đó Samsung chiếm tới 46,88%.
Apple chưa có nhà máy chính thức ở Việt Nam. Samsung đã có 4 nhà máy.
Tại riêng Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận của Samsung quý đầu năm cũng đều giảm. Trong đó, doanh thu chỉ giảm khoảng 1%, xuống 16,8 tỷ USD (khoảng 392 nghìn tỷ đồng) nhưng lợi nhuận giảm tới 30%, xuống 1,22 tỷ USD (khoảng 28,3 nghìn tỷ đồng).
Tổng doanh thu của Samsung tại Việt Nam lại không tăng còn lợi nhuận giảm mạnh do sự sa sút của công ty Samsung Display Vietnam.
Google, Facebook
Tính đến hết năm 2018, dung lượng thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng lên 550 triệu USD, trong đó Google và Facebook cộng lại chiếm khoảng 70% với 387 triệu USD, 30% còn lại được chia sẻ cho các mạng quảng cáo trực tuyến khác. Facebook chiếm đến 235 triệu USD, Google chiếm 152,1 triệu USD.
Amazon
Ngày 14/1, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã ký kết hợp đồng hợp tác với Amazon Global Selling. Như vậy Amazon đã tiến thêm một bước trong việc xâm nhập vào thị trường "cỡ lớn" Đông Nam Á. Ngày cạnh tranh trực diện của các tên tuổi như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi sắp đến gần.
Giai đoạn chuẩn bị thị trường về cơ bản đã hoàn thành và đây là lúc các doanh nghiệp dốc toàn nguồn lực để chiếm lĩnh. Amazon dường như đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kĩ cho sự đổ bộ vào Việt Nam, bắt đúng điểm đi lên của thị trường.
Coca-Cola
Đến năm 2015 - sau 20 năm hiện diện, Coca-Cola mới lần đầu báo lãi và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hai năm 2015 và 2016, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam đều đạt gần 7.000 tỷ VND, với lợi nhuận sau thuế khoảng 500 tỷ VND mỗi năm. Hai năm này, mỗi năm Coca-Cola Việt Nam đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 120 tỷ VND. Chưa có thông tin về doanh thu của Coca-Cola những năm 2017-2018.
Toyota
Trong năm 2018, doanh số bán hàng Toyota Việt Nam (TMV) đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục với 65.856 xe (không bao gồm Lexus), tăng 11% so với năm 2017, nâng tổng doanh số bán tích lũy đạt 518.742 xe.
Doanh số dịch vụ, năm vừa qua, TMV đã tiếp nhận hơn 1,3 triệu lượt khách vào làm dịch vụ tại các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Toyota trên toàn quốc, tăng gần 15% so với năm 2017, nâng tổng số lượt dịch vụ cộng dồn lên đến hơn 10 triệu lượt.
Về sản xuất, đối với trong nước đạt 52.662 xe, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng sản lượng tích lũy lên 480.735 xe.
McDonald
Đến cuối năm 2017, số lỗ lũy kế của chuỗi nhà hàng fast food này lên tới 490 tỷ VND, gấp 2,5 vốn điều lệ và dẫn đầu về số lỗ trong nhóm những chuỗi nhà hàng ăn nhanh trên thị trường. Tuy nhiên, trong năm 2018, McDonald’s Việt Nam đã có sự cải thiện khi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 30%.
Thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ đặt chân vào Việt Nam đầu tháng 2/2014 với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Việt Nam là một trong hơn 65 thị trường trên thế giới mà hãng áp dụng phương thức cấp phép phát triển. Tính đến thời điểm này, hãng đã có 21 nhà hàng hoạt động tại Việt Nam.