Những thương hiệu truyền thống Hà Nội nói không với nhượng quyền

05/03/2023 11:33
Để bảo vệ thương hiệu truyền thống, chủ nhân của Phở Bát Đàn, Bánh khúc cô Lan có hướng đi khác nhau. Tuy nhiên họ đều từ chối đề nghị nhượng quyền thương hiệu, mở chuỗi nhằm giữ lại “chất” gia truyền đúng nghĩa.
Những thương hiệu truyền thống Hà Nội nói không với nhượng quyền - Ảnh 1.

Các cửa hàng ẩm thực truyền thống thường thu hút nhiều khách hàng cả trong nước lẫn nước ngoài.

Nội dung chính:

Nổi tiếng, đông khách nhưng phở Bát Đàn và Bánh khúc cô Lan chỉ dừng lại ở quy mô một hoặc vài cửa hàng nhỏ, trực tiếp quản lý, nói không với nhượng quyền. Có người chọn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để giữ gìn thương hiệu, có người không đăng ký vì cảm thấy… không cần thiết.

Có tuổi đời trên 30 năm, lượng khách trung thành ổn định, thu hút cả khách du lịch trong và ngoài nước nhưng Phở Bát Đàn, Bánh khúc cô Lan chỉ mở một cửa hàng hoặc dừng lại ở quy mô 2-3 cửa hàng nhỏ. Chủ nhân của 2 tiệm ăn nhận được nhiều lời đề nghị nhượng quyền nhưng đều từ chối.

Không nhượng quyền vì muốn giữ gìn nghề truyền thống

Xếp hàng 10 phút, khách hàng tự bưng bê, phục vụ. Không có chanh, quất, chỉ có ớt tươi và tương ớt, giấm để sẵn… Phở Gia Truyền (vẫn được gọi là Phở Bát Đàn) vẫn luôn đông khách, chật kín không gian khoảng 30 mét vuông của quán.

Trong một buổi sáng trong tuần, ngoài lượng khách ngồi kín chỗ trong quán, khoảng chục người vẫn xếp hàng chờ tới lượt mua phở.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, chủ quán cho biết với lượng khách hiện tại, ông và 5 người khác phục vụ không xuể nên không có ý định mở rộng quy mô hay nhượng quyền.

Nói về các thông tin nhượng quyền được đăng tải trên mạng, ông Thắng nói: “Tất cả đều là thông tin giả, nhà tôi chưa từng nhượng quyền cho ai, cũng chưa có ý định nhượng quyền thương hiệu bao giờ”.

Những thương hiệu truyền thống Hà Nội nói không với nhượng quyền - Ảnh 2.

3 người đứng bếp phục vụ liên tục từ 6h sáng đến 11h trưa.

Quán phở có từ năm 1947, do ông nội ông Thắng khai sinh. Hơn 70 năm qua, quán đề tên là “Phở Gia Truyền”, tuy nhiên vì nằm trên phố Bát Đàn nên thực khách vẫn quen gọi là Phở Bát Đàn.

Ông cũng cho biết đã có nhiều người đề cập việc mua nước phở, nhượng quyền thương hiệu nhưng ông không bán vì “không thể quản lý hết, cũng không thể đảm bảo chất lượng. Mở rộng mà không quản lý được sẽ làm mất uy tín của quán phở gia truyền nhiều đời”.

“Không nhượng quyền, không mở rộng. Chúng tôi chỉ muốn giữ cửa hàng như hiện tại để phục vụ bà con, những khách hàng thân thiết nhiều năm. Có người đã ăn phở ở đây 50 năm, từ thời chủ quán còn là ông nội, là bố tôi, giờ đến tôi, rồi có thể sau sẽ còn ăn bát phở đúng hương vị này do con tôi nấu”, chủ quán chia sẻ.

Phở Bát Đàn có hương vị đặc trưng, nước dùng ngọt tự nhiên, sợi phở làm từ cơm nguội. Nhiều thực khách ưa thích hương vị phở tại đây, dù việc xếp hàng tự phục vụ tương đối phiền phức.

Những thương hiệu truyền thống Hà Nội nói không với nhượng quyền - Ảnh 3.

Phở Bát Đàn có giá 55.000-65.000 đồng mỗi bát

Cách phở Bát Đàn không xa là quán Bánh khúc cô Lan nằm ở số 69 đường Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng. Đây là cửa hàng bánh khúc đầu tiên của bà Nguyễn Thị Lan - chủ thương hiệu, mở vào đầu những năm 1990. Sau này, bà Lan mở thêm 2 cửa hàng khác tại quận Đống Đa và Tây Hồ.

Năm 2019, cùng với phở, cafe trứng, bún thang, bún chả…, Bánh khúc cô Lan được chọn để thiết đãi hơn 3.000 phóng viên quốc tế có mặt tại Việt Nam đưa tin sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sau sự kiện này, bánh khúc cô Lan nổi tiếng và bà Nguyễn Thị Lan nhận được nhiều lời mời hợp tác, nhượng quyền.

Tuy vậy đến nay, bà Lan vẫn kiên quyết nói không với những lời mời nhượng quyền với lập luận “Bánh khúc cô Lan như đứa con tinh thần của tôi. Bán thương hiệu có thể kiếm được nhiều tiền thật, nhưng bán đi rồi thì người ta sẽ duy trì và phát triển món ăn của tôi như thế nào làm sao tôi kiểm soát được. Kiểm soát chất lượng một món ăn không dễ”, bà Lan nói

Những thương hiệu truyền thống Hà Nội nói không với nhượng quyền - Ảnh 4.

Nhãn hiệu Bánh khúc cô Lan được dăng ký bảo hộ từ năm 2006.

Cách các chủ nhân bảo vệ thương hiệu cổ truyền

Chứng kiến những tiệm phở đề tên Phở Bát Đàn mọc lên khắp nơi, ông Nguyễn Xuân Thắng “cảm thấy bình thường, không quan tâm”. Ông Thắng cho biết qua 3 đời đổi chủ, thực tế là cha truyền - con nối, quán phở của gia đình ông vẫn chưa đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu cho Phở Gia Truyền hay phở Bát Đàn. Ông cũng chưa có kế hoạch đăng ký vì cho rằng điều đó không cần thiết.

“Khách hàng vẫn tìm đến 49 Bát Đàn để ăn phở do chúng tôi làm, các cửa hàng khác dù lấy tên phở Bát Đàn cũng không thể tạo ra hương vị tương tự. Ai yêu mến sẽ tự tìm đến chúng tôi, thế là đủ rồi”, ông Thắng cười nói.

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Lan đã đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Bánh khúc cô Lan từ năm 2006. Bà Lan quan niệm việc đăng ký bài bản sẽ hạn chế tình trạng đạo nhái trên thị trường và đảm bảo các quyền lợi của cá nhân bà và cửa hàng.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, về bản chất, là thủ tục hành chính của một cá nhân hay tổ chức đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của họ thông qua việc cấp văn bằng bảo hộ cho thương hiệu.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng pháp luật Việt Nam không bắt buộc các đơn vị kinh doanh phải đăng ký nhãn hiệu. Việc đăng ký hay không là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên luật sư nhìn nhận các đơn vị kinh doanh nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để xác lập quyền sở hữu, tránh những xung đột lợi ích không đáng có trong tương lai, đặc biệt khi đơn vị đó muốn mở rộng phạm vi kinh doanh sang các địa phương khác, quốc gia khác.

“Câu chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều khi sau này, chủ sở hữu hoặc các thế hệ con cháu của họ muốn mở rộng phạm vi kinh doanh nhưng không thể dùng nhãn hiệu của mình bởi đã có người đăng ký trước. Pháp luật Việt Nam áp dụng nguyên tắc “First to file” - bảo hộ cho người đăng ký trước chứ không áp dụng nguyên tắc “First to use” - bảo hộ cho người sử dụng trước như một số nước khác”, Luật sư phân tích.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hiện chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam ở mức thấp, từ 2-3 triệu đồng, tương đương khoảng 1/10 các quốc gia khác như Mỹ hay các nước châu Âu. Luật sư cho rằng với mức phí “dễ chịu” này, các đơn vị kinh doanh nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tin mới

Mở bán vàng nhẫn không giới hạn, cửa hàng vẫn bất ngờ vắng khách
5 giờ trước
Giá vàng nhẫn sáng nay giảm mạnh, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) mở bán không giới hạn nhưng không khí giao dịch lại bất ngờ trầm lắng.
Campuchia vừa đạt dấu mốc quan trọng, một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
4 giờ trước
Lãnh đạo Campuchia gọi đây là “sự kiện trọng đại”.
Giá vàng tăng sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế hàng Trung Quốc
3 giờ trước
Hôm nay (26/11), giá vàng ổn định sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
3 giờ trước
Giá gạo Việt Nam duy trì mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn.
iPhone 17 Pro bất ngờ lộ diện với thiết kế mới hoàn toàn?
2 giờ trước
Theo The Information, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max sẽ có thiết kế mới, đánh dấu bước ngoặt trong dòng sản phẩm cao cấp của Apple.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.