Những chiếc xe siêu trường siêu tải chạy trên đường đến Đắk Lắk chở theo những cánh quạt điện gió khổng lồ là hình ảnh gắn với cái tên Trung Nam Group. Tuy nhiên hành trình này đang bị gián đoạn khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thu hồi 25 giấy phép lưu hành xe quá khổ của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam do không đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Được biết, số giấy phép bị thu hồi là của đoàn xe đang phục vụ cho Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam (Đắk Lắk). Theo EVN, Trung Nam là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và vượt qua đánh giá sơ bộ cho dự án này. Với kết quả đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý để Trung Nam Group thực hiện Dự án theo hình thức quyết định chủ trương đầu tư.
Được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII và UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho đầu tư vào 31/12/2020, dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha đất thuộc 3 xã trong địa phận huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, với công suất thiết kế 400 MW, quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, và cũng là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.
“Ông trùm” của các siêu dự án năng lượng tái tạo
Thành lập vào tháng 11/2004, đặt trụ sở tại TP. HCM, Trung Nam Group dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh đã xây dựng chuỗi công ty thành viên hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam, ghi tên trong nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời.
Xe chở những cánh quạt điện gió khổng lồ. Ảnh: Internet
Tại Ninh Thuận, Trung Nam Group thực hiện Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Đây là dự án điện mặt trời lớn nhất nước ta và Đông Nam Á. Không chỉ vậy, tập đoàn này còn gây chấn động khi hoàn thành thi công chỉ sau 102 ngày. Dự án được triển khai trên diện tích 557,09ha, sử dụng 1,4 triệu tấm pin mặt trời.
Thêm vào đó, cũng tại Ninh Thuận ông lớn này còn sở hữu tổ hợp năng lượng tái tạo Điện mặt trời và Điện gió lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Thành công này được đánh dấu qua lễ khánh thành Nhà máy Điện gió Trung Nam, vào tháng 4 vừa qua.
Dự án gồm 45 trụ điện gió với công suất 151.95 MW. Tổng vốn đầu tư dự án gần 4.000 tỷ đồng, trải dài trên vùng đất rộng 900 ha. Nhà máy này kết hợp với nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW hoàn thiện trước đó, hình thành nên tổ hợp.
Hiện tại, cả hai nhà máy thuộc tổ hợp này đều đã được Trung Nam chuyển nhượng một phần cổ phẩn cho các công ty khác nhau.
Chỉ sau thời gian ngắn chính thức đi vào sản xuất kinh doanh, nhà máy điện mặt trời đã được Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) mua lại 49% cổ phần. Thương vụ xác nhận đã hoàn tất vào ngày ngày 19/4 năm nay. Đồng thời chuyển giao chức vụ giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó tổng giám đốc ACIT.
Tháng 5 vừa qua, Trung Nam Group tiếp tục thực hiện chuyển nhượng 35% cổ phần của nhà máy điện gió cho bên mua là công ty Hitachi Sustainable Energy thuộc tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Không chỉ khai phá Ninh Thuận, với quy mô 171 ha và tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, tập đoàn này đã góp phần không nhỏ trong quá trình thay đổi bộ mặt vùng đất Trà Vinh - từng là nơi canh tác kém hiệu quả, trở thành một khu vực tiềm năng nhờ dự án năng lượng mặt trời. Theo đó dự án bao gồm 32 trạm Inverter, 1 trạm biến áp 2x90 MVA và hơn 440.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên hơn 7.000 giá đỡ với tổng công suất 165 MWp.
Trước khi có những dấu mốc lớn với điện gió và điện mặt trời, Trung Nam cũng đã sở hữu những dự án thủy điện từ năm 2007. Với dự án thủy điện Đồng Nai 2 tại tỉnh Lâm Đồng, dự án có tổng mức đầu tư 3.665 tỷ đồng. Đây được xem là dự án lớn đầu tiên trong ngành điện của công ty này
Năm 2010, Trung Nam tiếp tục bắt tay vào 2 dự án thủy điện khác, là nhà máy thủy điện Krông Nô 2&3, tổng mức đầu tư trên 1.850 tỷ đồng tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Doanh nghiệp đa ngành với nhiều dự án nghìn tỷ khác
Đặc biệt thành công với năng lượng tái tạo, nhưng thực tế Trung Nam Group là một tập đoàn đa ngành, công ty này còn là chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản và nhà thầu có tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Năm 2008, Trung Nam triển khai dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt (Golf Valley), tổng mức đầu 150 triệu USD. Dự án tọa lạc ngay trung tâm thành phố, được quy hoạch 20 ha, với mục tiêu trở thành khu đô thị kiểu mẫu đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại thành phố Đà Lạt. Golf Valley đã được khánh thành hạ tầng dự án từ đầu năm 2016.
Trung Nam Group là một cái tên khá nổi tại Đà Nẵng vào giai đoạn 2008 - 2011 khi cùng lúc là nhà đầu tư hai dự án lớn nhất tại thành phố này. Đó là Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng (nhưng sau đó Trung Nam đã rút khỏi dự án tháp đôi).
Đối với lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam để lại dấu chân trong dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP. HCM thời điểm năm 2016. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. HCM.