Diện tích văn phòng đã cho thuê tăng 7% theo năm trong khi nguồn cung tăng 12% theo năm. Giá thuê trung bình tăng 2% theo năm, phản ánh niềm tin của chủ đầu tư trước các dự báo kinh tế tích cực.
BẤT ĐỘNG SẢN PHỤC HỒI MẠNH TỪ ĐÁY -12,85%
Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, ngành kinh doanh bất động sản của thành phố ghi nhận mức giảm 4,37% so với năm 2019, đóng góp 4,2% GRDP của thành phố và 6,7% trong khu vực dịch vụ.
Mặc dù, kết thúc năm 2020, ngành bất động sản Thành phố ghi nhận mức giảm 4,37% trong khi cả nước ghi nhận mức tăng trưởng dương 0,31%. Nhưng kết quả nói trên cho thấy thị trường đã phục hồi mạnh mẽ so trong các tháng cuối năm. Bởi trước đó, Thành phố ghi nhận mức sụt giảm đến 12,85% cho 3 tháng đầu năm và giảm 11,36% cho 6 tháng đầu năm 2020.
Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2020 của Thành phố đạt 235.561 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, mức giảm này đã được thu hẹp so với mức giảm đã được thu hẹp so với kết quả 9 tháng và 6 tháng đầu năm 2020 (6 tháng doanh thu giảm 12,3%).
Trong năm, Tp. Hồ Chí Minh đã hút được 876,3 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào bất động sản.
Theo Tp. Hồ Chí Minh, năm 2020, khác với lĩnh vực xây dựng nhà ở đang khan hiếm dự án xây mới, ngành kinh doanh bất động sản trên địa bàn đã có hiện tượng tăng giá cục bộ tại nhiều nơi. Bên cạnh chấn chỉnh công tác cấp phép xây dựng, Uỷ ban Nhân dân Thành phố đã có động thái kiểm tra, xử phạt việc tung tin nâng giá đất, góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản.
Thành phố cũng đã thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê.
DIỆN TÍCH VĂN PHÒNG ĐÃ CHO THUÊ TĂNG 7% TRONG NĂM 2020
Theo báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2020 của Savills, thị trường văn phòng được ghi nhận tăng trưởng tích cực. Xu hướng văn phòng vẫn tăng, công suất vẫn rất ổn định và các chủ nhà vẫn rất tự tin về giá thuê qua việc luôn duy trì mức giá thuê, tuy có tăng nhưng không đáng kể.
Savills Việt Nam dẫn chứng lượng diện tích trống còn rất ít, nhu cầu là luôn luôn có dù vẫn có nhiều khách ra, và điều đó tạo nên sự cân bằng cho thị trường văn phòng.
Số liệu thống kê của Savills cho thấy, diện tích văn phòng đã thuê năm 2020 cao hơn nhiều so với năm 2019. Mặc dù công suất công suất các toà nhà cho thuê trong năm bình quân chỉ đạt 89%, thấp hơn mức 93% trong quý 3 và mức 94% trong nửa đầu năm 2020. Nhưng tỷ lệ nói trên bị ảnh hưởng bởi trong quý 4/2020 nguồn cung văn phòng đã tăng thêm hơn 0,1 triệu m2 qua đó kéo tổng nguồn cung văn phòng của năm 2020 lên 2,3 triệu m2.
Đến cuối 2020, nguồn cung đạt hơn 2,3 triệu m2, tăng 7% theo quý và 12% theo năm. Trong năm qua, thị trường ghi nhận thêm 1 dự án Hạng A và 7 dự án Hạng B, cung ứng khoảng 139.000 m2 diện tích cho thuê thuần.
Tăng trưởng kinh tế của thành phố là động lực thu hút các chủ đầu tư vào phân khúc văn phòng cho thuê. Trong 5 năm qua, nguồn cung đã tăng bình quân 9%/năm.
Thị trường ghi nhận xu hướng trả văn phòng đối với các lựa chọn văn phòng hạng A, hoặc chuyển đổi sang diện tích nhỏ hơn, hoặc những toà nhà thấp hơn. Tuy nhiên, nhu cầu mới vẫn có và một số khách thuê vẫn có nhu cầu mở rộng, điều này khiến cho phân khúc hạng A và B duy trì ổn định.
Hiện diện tích đã cho thuê tăng 7% theo năm trong khi nguồn cung tăng 12% theo năm. Giá thuê trung bình tăng 2% theo năm, phản ánh niềm tin của chủ đầu tư trước các dự báo kinh tế tích cực. Nhiều chủ đầu tư giữ giá chào thuê không đổi hoặc thậm chí tăng giá đối với các diện tích mới trả ra sau thời gian dài lấp đầy.
GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG SÔI ĐỘNG
Số liệu nghiên cứu thị trường của các tổ chức cho thấy, dù nguồn cung căn hộ dịch vụ tăng lên, nhưng công suất đã tăng từ mức 61% trong 6 tháng đầu năm lên 66% trong tháng cuối năm 2020. Trong khi đó, đối với căn hộ, nguồn cung sơ cấp đã tăng 14% trong năm 2020 nhưng tỷ lệ hấp thu đã tăng từ mức 48% cho 6 tháng đầu năm 2020 lên mức 77% cho bình quân cả năm 2020. Tương tự đối với sản phẩm biệt thự/nhà phố tỷ lệ hấp thụ khi sản phẩm được tung ra thị trường đã đạt đến 71% cho năm 2020 so với nửa đầu năm chỉ đạt 50%.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh đã sôi động trở lại ở hầu hết các dòng sản phẩm từ quý 4/2020 bao gồm: nhà phố, mặt bằng cho thuê, văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và căn hộ để ở.
Chia sẻ với VnEconomy, chị Hồng, một nhà đầu tư bất động sản thứ cấp ở Quận Phú Nhuận cho biết, gia đình chị đang sở hữu 6 cơ sở nhà đất và 2 căn hộ cho thuê. Hồi tháng 6, khi khách thuê trả 2/6 cơ sở nhà, chị Hồng đã quyết định bán do quan ngại về tình hình kinh tế khó khởi sắc trong ngắn hạn và nhằm tận dụng cơ hội đầu tư hàng mới giá rẻ. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng rao bán, các bên mua ép giá, chị đã giữ lại 2 cơ sở nhà nói trên và cho thuê nhanh chóng. Hiện, các bên mua đã thương lượng trở lại, với mức giá mới tăng 6% so với giá rao bán hồi tháng 6/2020.
Không riêng gì chị Hồng, các môi giới liên tục công bố "chốt deal" thành công trong khoảng 2 tháng trở lại đây, bao gồm giao dịch bán và cho thuê các cơ sở nhà đất và căn hộ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Giá cho thuê nhà/căn hộ đã trở lại mức trước dịch, thậm chí còn tăng cho các mặt bằng nằm trong ngõ/hẻm rộng xe ô tô chạy 2 chiều.
Trên các con phố, nhiều biển quảng cáo "Nhà cho thuê/hoặc bán" đã giảm thay vào đó hoạt động xây dựng, sửa chữa mặt bằng của bên thuê mới sôi động hơn. Đơn cử, lượng nhà trống trên đường Phan Xích Long, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM đã giảm đến 60%, hay trên khoảng 2km đường Phan Đăng Lưu đã giảm đến 70%. Các mặt bằng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 cũng đã lấp đầy dần.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam nhận xét, covid-19 đã và đang tác động đến một bộ phận các doanh nghiệp nhất định chứ không phải toàn bộ tất cả các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, truyền thông, công nghệ thông tin. Savills đã ghi nhận được một lượng lớn nhu cầu về diện tích cho thuê từ một số ngành trong năm 2020 cao hơn so với 2019. Ngoài ra, giá thuê trung bình tăng 2% theo năm, phản ánh niềm tin của chủ đầu tư trước các dự báo kinh tế tích cực.