Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, chiến sự Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán… kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm của cả nước vẫn có những tín hiệu tích cực, so với cùng kỳ 2022, đặc biệt từ hoạt động xuất khẩu và số doanh nghiệp thành lập mới.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng giảm 6,3%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm nhiều nhất với 6,9%.
Trong tháng 2, cả nước có hơn 8.800 DN thành lập mới và gần 4.000 DN quay trở lại hoạt động, khoảng 7.600 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 2 tháng, có gần 38.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là hơn 51.000 DN.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách 2 tháng qua ước đạt gần 57.000 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/2/2023 đạt 3,1 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 2,55 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt gần 26 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng ước đạt 49,44 tỷ USD, nổi bật là nhóm hàng công nghiệp chế biến - chiếm 89,8%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 23,58 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng ước đạt 46,62 tỷ USD, trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%.