Từ khi chủ trương phát triển cây trồng trên đất dốc được bà con hưởng ứng, sản phẩm có chất lượng, bên cạnh việc mở rộng thị trường tiệu thụ ra cả một số nước trên thế giới thì nhiều nhà máy chế biến đã đi vào hoạt động tạo động lực cho người dân vùng khó Sơn La mở rộng diện tích cây ăn quả.
Giờ đây những vườn chanh leo, nhãn, xoài, sơn tra… mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 700 triệu đồng, có nơi đạt 1 tỷ đồng ha không còn là hiếm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La.
Trưa đứng bóng, anh Quàng Văn Chiến ở bản Bó Lý, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn mới chở hết hơn 1 tấn chanh leo từ nương về nhà. Lau vội mồ hôi ròng ròng trên khuôn mặt, anh Chiến hồ hởi khoe: “Suốt ngày làm việc ngoài vườn cây, chăm chuốt, tỉa tót, cây khô thì tưới nước, bón phân, nếu bệnh thì phun thuốc, cắt tỉa cành lá sâu. Công việc trước đây trồng ngô có nhiều thời gian rảnh, nhưng giờ trồng chanh phải làm việc nhiều và thu được nhiều tiền hơn”, anh Chiến cho biết.
Vợ chồng anh Chiến, chị Hưng thu hoạch chanh leo.
Quả như anh Chiến nói, vợ anh, chị Lò Thị Hưng tâm sự, vui nhất là khi bận túi bụi với công việc, chồng không còn triền miên rượu chè với bạn bè như trước.
Chuyển 6.000 mét vuông đất đồi dốc vốn chỉ toàn trồng ngô năng suất thấp sang trồng chanh leo từ cuối năm ngoái, tháng Tư vừa rồi vườn chanh nhà anh Chiến được thu hoạch, thương lái vào tận xã Chiềng Sung thu mua. Giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cao điểm giá chanh lên tới 35.000 đồng. Mỗi tuần, anh Chiến thu hái được 1 tấn quả, thu về từ 20 - 25 triệu đồng, bằng cả năm trồng ngô.
Phải nói là có đến trong mơ vợ chồng anh Hà Văn Tiền ở bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cũng không nghĩ sẽ xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang trị giá đến 600 triệu đồng. 4 năm trước, được huyện và xã vận động, anh Tiền tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc để trồng xoài và nhãn xuất khẩu. Với kỹ thuật được chuyển giao, thị trường lại ổn định nên với gần 1 ha đất nương và đất vườn cằn cỗi, kém hiệu quả trước kia, giờ đây mỗi năm gia đình cũng có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
“So sánh trồng cây ăn quả với trồng ngô thu nhập gấp 2 – 3 lần. Tới đây xem xét cây nào không có hiệu quả gia đình sẽ chặt đi để trồng xoài, nhãn…”, anh Tiền cho biết
Nếu như những năm trước, dọc khu vực đường Quốc lộ 6 có những vựa ngô được chủ vựa thu gom từ các bản để đưa về xuôi, thì mấy năm gần đây sản lượng ngô tập trung về các đại lý này giảm hẳn. Những cây ngô đã phải nhường chỗ cho cây chanh leo. Tại nhiều xã của các huyện Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn…diện tích trồng ngô đã giảm tới 70%.
Chị Nguyễn Thị Hường, một chủ vựa ngô 20 năm nay ở huyện Yên Châu cho biết, những năm trước cứ đến mùa ngô bà con tự chở đến kho của đại lý để bán, nhưng bây giờ ít người còn trồng ngô nên nhiều khi gia đình phải đến tận nương của bà con để thu mua.
Thay vào cây ngô và các cây truyền thống, lần đầu tiên bà con đã làm quen với một cây hàng hóa mới, cây chanh leo. Nhà anh Hà Tiến Chung ở bản Lằn, xã Mường Do hôm nay thu hoạch lứa chanh thứ hai. Anh Tiến cho biết, ngay cả thu hái chanh leo như thế nào cho đúng tiêu chuẩn xuất khẩu đi Pháp mà doanh nghiệp yêu cầu, anh và nhiều bà con cũng phải học.
“Trồng chanh tương lai sẽ giàu có hơn trồng ngô vì đây là cây trồng mới hoàn toàn tại địa phương. Đầu ra của chanh cũng yên tâm vì đã có Công ty bao thầu sản phẩm”, anh Tiến cho biết.
Với mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp chính là nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, đến nay, mục tiêu này đã và đang được những nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Sơn La hiện thực hóa trên những nương đồi no ấm.
Bước chuyển rõ nhất trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Sơn La đó là sự thay đổi trong ưu tiên phát triển, thay vì chỉ tập trung vào cây ngô, sắn, giờ đây những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như xoài da xanh, chanh leo, nhãn ghép đã được Sơn La chú trọng và mở rộng. Là tỉnh nghèo miền núi nhưng đến nay Sơn La cũng đã có những nông sản xuất khẩu tới những thị trường khó tính. Đây là minh chứng cho một hướng đi đúng và trúng./.