Dù đang trong quá trình điều tra, xác minh nhưng Tenma không phải là công ty duy nhất của Nhật Bản từng dính nghi án hối lộ các quan chức Việt Nam để nhận được những ưu đãi trong những năm qua.
Những ngày gần đây, một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam để được miễn giảm những khoản thuế.
Cụ thể, theo bài viết đăng ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma - có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản ngày 1/4 đã khai với công tố viên tại Tokyo rằng công ty con Tenma Việt Nam (có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) đã hối lộ khoảng 25 triệu yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) cho một số quan chức địa phương.
Theo lời khai, Tenma Việt Nam vào tháng 6/2017 sau khi nhập lô hàng vật liệu thô đã bị đòi khoản phụ thu gần 1,8 tỷ yên (khoảng 362 tỷ đồng). Để giảm "phụ thu", công ty đề xuất trả "phí điều chỉnh". Giám đốc Tenma Việt Nam đã đồng ý chi 2 tỷ đồng để được "miễn" khoản tiền trên.
Tháng 8/2019, Tenma Việt Nam bị yêu cầu nộp thuế thu nhập 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên), trong đó bao gồm thuế doanh nghiệp. Tenma Việt Nam đã đưa 3 tỷ đồng tiền mặt để hối lộ nên được giảm xuống xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên) bao gồm cả tiền phạt.
Bộ trưởng Tài chính yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin nghi vấn hối lộ liên quan đến công ty Tenma Việt Nam |
Sau khi giới truyền thông Nhật Bản đăng tải những thông tin về việc Tenma Việt Nam hối lộ một số công chức để được miễn giảm số thuế khoảng 400 tỷ đồng, phía Việt Nam đã tổ chức điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Chiều ngày 25/5, Bộ Tài chính phát đi thông báo số 353/TB-BTC. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có ý kiến chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc hối lộ liên quan đến công ty Tenma Việt Nam (là công ty con của công ty Tenma Nhật Bản, đặt tại tỉnh Bắc Ninh).
Ngoài nghi án đưa hối lộ 25 triệu Yên cho quan chức Việt Nam của Tenma đang được xác minh và điều tra. Trước đó, đã có những công ty của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cũng từng liên quan đến những vụ đưa, nhận hối lộ rất lớn. Đáng chú ý, các vụ đưa và nhận hối lộ này đều xuất phát từ cơ quan điều tra Nhật Bản công bố.
Theo đó, năm 2008 xảy ra vụ đưa hối lộ của công ty Pacific Consultants International của Nhật Bản (PCI) cho quan chức cấp cao TP HCM để thắng thầu dự án phát triển hạ tầng có sử dụng vốn viện trợ ODA của Nhật. Số tiền hối lộ được PCI đưa cho các quan chức Việt Nam thời điểm đó được xác định là hơn 820.000 USD (18,8 tỷ đồng). Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM được xác định là người nhận số tiền hối lộ nói trên.
Vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra ở dự án đại lộ Đông Tây đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà tài trợ ODA, trong đó có Nhật Bản. Tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam khai mạc sáng 4 tháng 12 năm 2008, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho biết các dự án ODA dự kiến trong nửa đầu năm tài khoá 2008 của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã bị tạm dừng lại, đồng thời Nhật Bản cũng chưa thể công bố viện trợ mới cho tới khi Ủy ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng giữa hai nước xem xét lại việc thực hiện vốn ODA của Nhật tại Việt Nam.
Sự cố ODA nói trên đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Sau 3 năm từ khi vụ đưa và nhận hối lộ được Nhật Bản điều tra năm 2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị tuyên phạt tù chung thân.
Năm 2014, một vụ đưa và nhận hối lộ liên quan đến các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã xảy ra ở Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Cụ thể ngày 21/3/2014, tờ Yomiuri và nhiều tờ báo Nhật đồng loạt đưa tin về ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) đến cơ quan điều tra khai báo tự nguyện về việc hối lộ quan chức cấp cao của Đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA xây dựng đường sắt đô thị số 01 Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên).
Trong lời khai, Giám đốc JTC Tamio Kakinuma thừa nhận đã chi bất hợp pháp hơn 100 triệu yen cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. Riêng tại Việt Nam, JTC hối lộ cho 5 quan chức đường sắt 80 triệu yên (hơn 16 tỉ đồng) từ năm 2008-2012.
Động thái này diễn ra sau khi cơ quan thuế Tokyo phát hiện nhiều khoản chi bất thường của công ty JTC, trị giá khoảng 130 triệu yen, liên quan đến 5 dự án ODA của Nhật Bản. Số tiền được chi vào 40 lần khác nhau, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2014.
Ở vụ đưa và nhận hối lộ này, 6 cán bộ thuộc Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) đã bị bắt giữ để điều tra là ông Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU, ông Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3, ông Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU, ông Trần Quốc Đông, nguyên Giám đốc RPMU, ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU và ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU... Sau quá trình điều tra, các đối tượng đã bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm tù giam.
Trong năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 trong bảng tổng sắp các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với số dự án đầu tư là 4.385, tổng vốn đăng ký 59.333,86 triệu USD. Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam có lãi là 66%; 64% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc các công ty Nhật Bản liên quan đến những vụ án đưa và nhận hối lộ với các công chức tại Việt Nam luôn nhận được sự chú ý rất lớn.
(Theo Dân Việt)